Thời tiết chuyển mùa thu sang đông, nhiệt độ liên tục thay đổi thất thường dẫn đến nhiều người mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa.
Điều trị cho trẻ mắc cúm tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách
Tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, lượng người đến tiêm vaccine phòng cúm tăng mạnh.
Cả nhà chị Pham Thanh T. ở khu Tiền Trung, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đều mắc cúm. Chị T cho biết trước đó nhiều ngày thấy người chỉ có biểu hiện khó chịu, chảy nước mũi nên chủ quan nghĩ chỉ bị hắt hơi, sổ mũi qua loa. Hiện cả 2 vợ chồng chị và 3 con nhỏ đều sốt, mệt mỏi, ngạt tiếng. Đặc biệt, chị T. đã 4 ngày nay sốt trên 390C, nhức đầu và phải đến cơ sở dịch vụ y tế để truyền nước… Con bé 8 tháng tuổi bị sốt cũng đã được gia đình chị T. đưa đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám.
Anh Nguyễn Trác H., 35 tuổi, ở khu đô thị phía Đông, phường Hải Tân (TP Hải Dương) nhiều ngày nay cũng mắc cúm B. Ban đầu, anh chỉ hắt hơi, đau mỏi toàn thân, nhức đầu, chảy nước mũi, đau họng, mệt mỏi… Hai ngày trở lại đây anh H. sốt cao, có lúc lên tới 39,50C, rét run.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm đến nay có trên 4.000 ca mắc cúm và tập trung từ tháng 9 trở lại đây. Đây là số liệu thống kê được từ các cơ sở y tế về người bệnh đi khám và điều trị. Con số thực tế người mắc cúm sẽ cao hơn nhiều lần do mọi người thường mua thuốc, tự điều trị tại nhà.
Cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp có nhiều tuýp A, B, C và rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường nên đối tượng mắc đa dạng. Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ đầu tháng 9 đến nay có gần 90 bệnh nhân mắc cúm A và cúm B vào điều trị. Những trường hợp mắc cúm vào khoa Truyền nhiễm điều trị phần lớn có biểu hiện bệnh diễn tiến nặng như sốt cao, tức ngực, khó thở, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai…
Nhiều người dân cho con đi tiêm vaccine cúm dịch vụ
Bác sĩ Hoàng Thạch Quyền, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Cúm mùa khởi phát rải rác quanh năm, theo quy luật thường bùng phát vào mùa đông. Biến chứng của cúm cũng hết sức nguy hiểm: gây viêm phổi và viêm một số cơ quan khác. Những đối tượng nguy cơ biến chứng cao và nguy hiểm là trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý mạn tính: hen, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch… Việc dùng thuốc điều trị bệnh cúm, tiêu diệt và giảm virus gây bệnh phải được bác sĩ khám và chỉ định".
Tại Bệnh viện Nhi số trẻ mắc cúm, đặc biệt là cúm B trong 2 tuần qua cũng tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám cho khoảng 300 trẻ, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú dao động khoảng 500 bệnh nhân. Theo bác sĩ phòng khám bệnh viện cho biết năm nay số trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, truyền nhiễm luôn tăng cao và gấp nhiều lần những năm dịch Covid-19 bùng phát. Bệnh chia làm các giai đoạn: đầu năm chủ yếu trẻ mắc cúm A, cùng đan xen là bệnh nhân Covid-19; tiếp đó các bệnh lý về hô hấp viêm phổi, phế quản, RSV (virus hợp bào hô hấp), Adeno virus và hiện là cúm B và tiêu hóa. Khoảng 2 tuần trước rất đông trẻ mắc cúm B và một số có biểu hiện biến chứng gây viêm phổi phải nhập viện điều trị. Theo các bác sĩ, cúm mùa thông thường tiến triển lành tính, có thể khỏi trong vòng 7 đến 14 ngày. Trẻ mắc cúm không có triệu chứng nặng thường được kê đơn điều trị ngoại trú. Tuy nhiên nếu trong quá trình theo dõi bệnh diễn biến nặng hơn, sốt cao, khó thở…phải đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cũng không quá chủ quan, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn, vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên vận động cơ thể... Những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc biến chứng của cúm cần tuyệt đối thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế về phòng cúm. Người dân cũng cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm để tăng cường hệ miễn dịch phòng bệnh.
ĐỨC THÀNH