Phát huy lợi thế sẵn có, huyện Tứ Kỳ đã xây dựng mô hình nông nghiệp đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.
Huyện Tứ Kỳ có 13.800 m2 nhà màng, nhà lưới chủ yếu trồng rau hữu cơ, đứng thứ ba tỉnh
Xã An Thanh được sông Thái Bình bồi đắp cho bãi sông rộng gần 150 ha. Với môi trường nước lợ đặc trưng, thiên nhiên ban tặng cho nơi đây đặc sản là rươi cáy. Nhằm tạo môi trường sống lý tưởng cho rươi cáy phát triển, những năm gần đây, nông dân đã sản xuất lúa hữu cơ vụ chiêm xuân ở vùng đất bãi sông Thái Bình. Hộ dân tham gia sản xuất được tập huấn, hỗ trợ giống lúa và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Dù năng suất lúa chỉ đạt từ 40-42 tạ/ha, thấp hơn từ 10-15 tạ/ha so với gieo cấy thông thường song lợi nhuận lại cao gấp đôi do chất lượng gạo ngon được bán với giá cao.
Sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi của huyện đã được gắn OCOP 3 sao, chất lượng rươi cáy cũng đứng hàng đầu trong tỉnh. Tứ Kỳ cũng là địa phương có vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với khai thác rươi cáy tự nhiên lớn nhất tỉnh. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích mô hình trên lên 600 ha.
Trên cánh đồng thôn Bích Đồng, xã Quang Phục những ngày này, người dân đang kéo lưới thu hoạch cá. Anh Nguyễn Đình Toản người trong thôn chia sẻ: "Mỗi năm gia đình tôi cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn cá thương phẩm các loại, thu lãi khoảng 3 tỷ đồng". Năm 2015, 30 ha ruộng bỏ hoang ở đây đã được chuyển sang nuôi thủy sản tập trung. Đến nay, vùng này đã đi vào sản xuất ổn định với sản lượng khoảng 400 tấn cá, doanh thu 12 tỷ đồng/năm.
Toàn xã Quang Phục hiện có 79 ha nuôi thủy sản, giá trị sản xuất đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi thủy sản tập trung còn phát triển ở nhiều địa phương khác, mang lại giá trị kinh tế cao. Xã Tân Kỳ đã hình thành 4 vùng nuôi thủy sản tập trung rộng 166 ha, trong đó có khoảng 40% số hộ đã dùng máy cho ăn tự động, máy sục khí liên hoàn tự động, camera giám sát kết nối với điện thoại thông minh... Ngoài hỗ trợ của tỉnh, các xã đã sử dụng nguồn đối ứng và nhân dân đóng góp để đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng này.
Những năm trước, Tứ Kỳ có diện tích nhà màng nh à lưới thấp nhất tỉnh. Gần đây, địa phương đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp quan tâm xây dựng mô hình này để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, huyện đứng thứ 3 toàn tỉnh về diện tích nhà màng, nhà lưới.
Năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất nấm Hải Dương ở xã Quang Phục xây dựng mô hình sản xuất nấm trong nhà màng, nhà kính rộng 8.000 m2, lớn nhất tỉnh về diện tích và sản lượng. Doanh nghiệp hiện có 6 sản phẩm nấm, mỗi tháng tiêu thụ từ 10-20 tấn nấm tại các tỉnh, thành phố miền Bắc. 2 năm trở lại đây, mỗi năm công ty đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng. Năm 2021, 4 sản phẩm nấm rơm, nấm sò, nấm hương, nấm đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp đã được tỉnh công nhận OCOP 4 sao.
Xác định tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp, huyện Tứ Kỳ đã xây dựng và triển khai Đề án "Xây dựng vùng sản xuất tập trung trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Huyện hỗ trợ 50% giá giống đối với mô hình nuôi thủy sản tập trung mới. Tại vùng khai thác rươi cáy, huyện hỗ trợ nông dân làm bờ vùng, thực hiện quy trình canh tác đặc biệt làm tăng độ tơi xốp, chất mùn trong đất, bảo tồn môi trường tự nhiên cho thủy sản phát triển. Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá đặc sản địa phương.
Trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh vốn có và căn cứ vào tình hình, xu hướng sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những khâu đột phá, trong đó tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp tiêu biểu.
PV