Các hội viên tích cực lao động, sản xuất, luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm ăn phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương.
Mỗi năm, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiến thu lãi hơn 100 triệu đồng từ làm hàng xáo và nuôi lợn
Vài năm lại đây, phong trào phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hồng Phong (Ninh Giang) diễn ra sôi nổi. Hiện nay, 4 chi hội CCB ở 4 thôn trong xã đều có câu lạc bộ (CLB) nuôi thuỷ sản, VAC, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 2 CLB do CCB thành lập, 2 CLB phối hợp với Hội Nông dân xã.
Ông Nguyễn Văn Câu, Chủ nhiệm CLB thủy sản của thôn Động Trạch cho biết: Một số CCB đi tiên phong trong việc nhận đấu thầu vùng cấy lúa bấp bênh, lập vồng, đào ao thả cá, xây chuồng nuôi lợn. Thấy hiệu quả, CCB cùng động viên nhau làm. Để tạo sự gắn kết, làm ăn bền vững hơn, năm 2005, hội CCB xã đứng ra vận động hội viên thôn thành lập CLB. Hiện nay, CLB có 18 hội viên tham gia, đạt gần 100% số hội viên nuôi thủy sản ở thôn. CLB có 30 ha nuôi thuỷ sản, người ít nhất có 3 sào, người nhiều nhất 3 mẫu. Trước và sau khi thu hoạch, hội viên thường ngồi bàn bạc xem thu vào thời điểm nào được giá, thu thế nào để bảo đảm chất lượng của cá, vụ tới nên thả giống cá gì... Năm 2010 và đầu năm 2011, do dịch bệnh và rét, nhiều CCB bị thiệt hại nặng, các hội viên trong CLB đã chung tay giúp đỡ bằng cá giống của gia đình, trị giá 50 triệu đồng.
Những năm qua, nhiều hội viên CCB của xã đã mạnh dạn bỏ thói quen làm ăn cũ, đầu tư cải tạo vườn tạp, đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi đạt hiệu quả cao. CCB Nguyễn Xuân Chiến, thành viên CLB kinh tế VAC cho biết: Năm 2000 phục viên về địa phương, tôi cùng vợ bàn làm nghề hàng xáo. Mỗi năm, gia đình tôi thu mua của bà con trong xã gần 100 tấn thóc, sau đó xát gạo bán cho các đại lý. Nguồn cám thu được từ xát gạo tôi dùng nuôi lợn, gà, ngan. Trong chuồng nhà tôi luôn có 50 - 60 con lợn thịt, 8 - 10 con lợn nái. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Cũng như gia đình anh Chiến, 46 hội viên của CLB đều tận dụng tốt diện tích vườn trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, xây chuồng nuôi lợn, nuôi gà cho thu nhập ổn định.
Bên cạnh những mô hình sản xuất truyền thống, vài năm trở lại đây, thị trường cây cảnh phát triển nên nhiều CCB động viên nhau làm sinh vật cảnh. Hiện nay, toàn xã có hơn 50 CCB làm cây cảnh. Tiêu biểu là CCB Lê Văn Ký ở thôn Quang Rực. Trước đây, ông chơi cây cảnh để giải trí, giao lưu với bạn bè. Đến nay, ông tự làm cây phôi, tạo thế và bán ra thị trường. Mỗi năm, lãi từ bán cây cảnh đạt gần 200 triệu đồng. Hiện trong vườn nhà ông có hơn 100 cây, cây thấp nhất có giá 5 triệu đồng và cao nhất 300 triệu đồng.
Ông Phạm Hồng Khanh, Chủ tịch Hội CCB xã Hồng Phong cho biết: Để không ngừng xây dựng hội vững mạnh, thực hiện tốt việc quan tâm đến đời sống hội viên, thời gian qua, Hội CCB xã đã phát động, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Các hội viên tích cực lao động, sản xuất, luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm ăn phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương. Nhằm động viên, khích lệ CCB làm kinh tế, trong năm, hội mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, chăm sóc các cây ăn quả, hoa màu và phòng, chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tổ chức hội thảo, hội nghị đầu bờ tại các CLB để đánh giá, rút kinh nghiệm. Quan tâm tháo gỡ khó khăn về vốn cho hội viên như: trích nguồn quỹ của hội hơn 120 triệu đồng cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi; tín chấp vay các tổ chức tín dụng gần 4 tỷ đồng giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển kinh tế... Hiện nay, thu nhập bình quân của CCB đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ giàu đạt hơn 44%, hộ nghèo giảm còn 2,8%.
DANH TRUNG