Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có việc sử dụng bộ sách giáo khoa (SGK) mới.
Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Thị Tiến về vấn đề này.
- Hải Dương có những thuận lợi gì khi triển khai bộ SGK mới ở các cấp học, thưa bà?
- Khi triển khai bộ SGK mới, Hải Dương có những thuận lợi nhất định. Nhiều năm nay, ngành GDĐT luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học của các cấp, các ngành. Hải Dương đã có nền tảng giáo dục tốt về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục toàn diện cũng như mũi nhọn. Phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra mạnh mẽ đã và đang tác động tích cực đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. Nhân dân ngày càng quan tâm, tạo điều kiện cho con em học tập.
- Điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất trường học hiện nay có bảo đảm cho việc sử dụng bộ SGK mới?
- Một trong những điểm mới và được chú trọng ở bộ SGK mới là dạy học thông qua hoạt động, đẩy mạnh thực hành, trải nghiệm ở cấp tiểu học và trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS, THPT. Một trong những điều kiện căn bản để thực hiện thành công bộ SGK mới là bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện nay, các trường cơ bản bảo đảm ở mức tối thiểu, nhưng chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục. Vài năm gần đây, do số lượng học sinh của tỉnh tăng đột biến dẫn đến nhiều trường thiếu phòng học. Không ít trường cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn. Nhiều trường khuôn viên chật chội. Phần lớn các trường chưa có nhà đa năng, bể bơi, sân chơi bãi tập đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu, chưa bảo đảm đủ về số lượng và cơ cấu, nhất là ở cấp tiểu học, THCS. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh còn phải ký hợp đồng lao động với khoảng 1.100 giáo viên. Giáo viên hợp đồng công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp dẫn đến khó tâm huyết, gắn bó với nghề. Một bộ phận giáo viên duy trì thói quen cũ, dạy học theo lối mòn, tâm lý ngại thay đổi, chậm đổi mới phương pháp cũng như hình thức tổ chức dạy học. Một trở ngại nữa là phụ huynh chú trọng việc học văn hóa mà chưa quan tâm đúng mức cho con em tham gia các hoạt động khác.
- Thời gian tới, Sở GDĐT làm gì để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai áp dụng bộ SGK mới có hiệu quả?
- Ngay từ khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Sở GDĐT đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2827/KH-UBND ngày 1.11.2016 tiếp tục thực hiện Đề án "Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học" giai đoạn 2016 - 2020. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh tiến độ xây dựng và giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường các giải pháp phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT. Thời gian tới, Sở GDĐT sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc áp dụng bộ SGK mới. Trong đó, tích cực tham mưu với tỉnh bố trí đủ về số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình SGK mới, lộ trình triển khai, thực hiện. Huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác giáo dục. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ, phát huy nội lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đổi mới mạnh mẽ sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục.
DANH TRUNG (thực hiện)
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. |