UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019- 2025" với nhiều chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp.
Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng Ban điều hành đề án về vấn đề này.
- Nhiều tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đang gặp khó khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đề án sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Đề án có những chính sách hỗ trợ một phần về vốn và hỗ trợ thủ tục hành chính, pháp lý cho tổ chức, cá nhân như sau:
Thứ nhất, đề án hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kinh phí không quá 20 triệu đồng/cá nhân, tổ chức tùy vào mỗi hợp đồng. Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (không quá 100 triệu đồng/cá nhân, tổ chức)…
Thứ hai, hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Cung cấp thông tin miễn phí về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước, quốc tế. Hỗ trợ 50% kinh phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường; kinh phí hỗ trợ các trường hợp trên không quá 10 triệu đồng với một lần thử và không quá 1 lần/năm…
Thứ ba, sẽ hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, kinh phí không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.
Thứ tư, hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa. Đề án sẽ hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học; kinh phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/khóa đào tạo và không quá 1 khóa đào tạo/năm. Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong tỉnh, trong nước; được ưu tiên tham gia chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước; cung cấp thông tin, truyền thông miễn phí về kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; sử dụng miễn phí “vườn ươm” khởi nghiệp và không gian làm việc chung tại Sở Khoa học và Công nghệ từ 6 tháng đến 1 năm.
- Các doanh nghiệp thường thiếu nguồn vốn khởi nghiệp. Đề án có hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp không?
- Đề án chỉ hỗ trợ một nguồn kinh phí nhỏ gọi là vốn mồi, kèm theo chính sách hỗ trợ thủ tục, pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp. Đề án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn nhưng tự thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng mạng lưới đa dạng để huy động vốn như các quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mạo hiểm, các tổ chức đầu tư tài chính, vốn ngân hàng…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 26 tỷ đồng, gồm 15 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 11 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh. Các đối tượng được tham gia đề án gồm cá nhân, nhóm cá nhân thành lập doanh nghiệp (đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa tại điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017); các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có tiềm năng phát triển chuyển đổi thành doanh nghiệp; cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; doanh nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức dịch vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (trừ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tỉnh Hải Dương. |