Hiện nay, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi tiếp tục giảm khiến nhiều hộ phải "ủ hàng" chờ giá tăng trong dịp áp Tết.
Giá sản phẩm chăn nuôi thấp nên nhiều hộ chờ giá tăng mới bán
"Đội" chi phí thức ăn
Nuôi vịt 15 năm nay nhưng chưa khi nào ông Đỗ Văn Thoại ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) thấy khó khăn như hiện nay. Đầu năm nay, giá vịt hơi ổn định ở mức 39.000 đồng/kg. Hơn chục ngày trước, ông xuất bán hơn 1.000 con với giá 25.000 đồng/kg, chỉ hòa vốn. Đến nay, giá vịt hơi xuống còn 23.000 đồng/kg, với giá này thì ông lỗ 20 triệu đồng/1.000 con.
"Nếu như mọi năm, một số sản phẩm chăn nuôi tăng giá mạnh thì năm nay lại giảm. Hiện tại, tôi vẫn còn khoảng 1.000 con vịt, trọng lượng hơn 3 kg/con đang chờ xuất bán nhưng giá rẻ quá nên gia đình muốn chờ đến gần Tết xem giá có tăng thêm không", ông Thoại nói. Mỗi ngày 1.000 con vịt của gia đình ông ăn hết gần 3 bao cám với giá 195.000 đồng/bao.
Anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng có tâm lý chờ các sản phẩm chăn nuôi tăng giá như ông Thoại. Nuôi cá hơn 10 năm nay, lần đầu tiên gia đình anh Bình rơi vào tình cảnh này. Hiện nay, anh còn gần 2 mẫu ao nuôi khoảng 5 tấn cá chép, rô phi... Các loại cá giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, trong đó cá chép loại to giá từ 45.000 - 47.000 đồng/kg, cá rô phi loại to 30.000 đồng/kg. "Như những năm trước, tầm này tôi đã xuất hết cá, làm vệ sinh ao để ra Tết bắt đầu vụ nuôi mới. Nhưng năm nay, giá cá giảm mạnh nên tôi chưa bán. Tôi đợi ra giêng mới vét ao xuất bán vì như những năm trước, sau Tết nhu cầu ăn cá tăng nên giá sẽ tăng. Hiện tại, tôi chỉ cho cá ăn cầm chừng, nhưng mỗi ngày cũng hết khoảng 1 triệu đồng tiền thức ăn", anh Bình nói.
Thận trọngTheo anh Phạm Văn An ở Hồng Hưng (Gia Lộc), một thương lái chuyên thu mua cá, giá chăn nuôi giảm mạnh như hiện nay có thể do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc. Lợn hơi tiêu thụ giảm đã làm các mặt hàng chăn nuôi khác như cá, vịt... bị chững lại nên giá giảm theo. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là hộ nuôi cá có tâm lý "ủ hàng" chờ sau Tết mới xuất bán. Với tình hình này, sau Tết giá sản phẩm chăn nuôi sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào. "Các hộ cần căn cứ tình hình thực tế, không nên chờ đợi giá tăng vì nuôi lâu sẽ làm tăng chi phí chăn nuôi và làm chậm mùa vụ nuôi sắp tới", anh An cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, toàn tỉnh có hơn 574.000 con lợn thịt, tăng gần 13% so với năm 2015. Sản lượng thịt gia cầm các loại đạt hơn 30.000 tấn, tăng gần 6%; diện tích nuôi thủy sản hơn 11.000 ha với sản lượng hơn 68.000 tấn. Như vậy, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn ở mức ổn định dẫn đến giá nhiều mặt hàng chăn nuôi giảm mạnh. Ngoài ra, việc Trung Quốc ngừng thu mua lợn hơi đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ trong nước.
Ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho rằng người chăn nuôi không nên "găm hàng", vì cuối năm là dịp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Thông thường, sau Tết giá nhiều loại thực phẩm sẽ giảm nên nếu các hộ "găm hàng" sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Nếu như lợn, gia cầm đã đạt trọng lượng, các hộ nên nhanh chóng bán, tránh nuôi kéo dài làm tăng chi phí. Riêng với cá, nếu muốn nuôi qua đông, các hộ cần chủ động có phương án chống rét để tránh bị thiệt hại khi nhiệt độ xuống thấp", ông Tịnh khuyến cáo.
PV