Những ngày này, thời tiết đang chuyển từ thu sang đông, nhiệt độ thay đổi nóng lạnh thất thường khiến nhiều dịch bệnh phát triển.
Phun thuốc diệt muỗi tại ổ dịch xã Cao An (Cẩm Giàng)
Số ca mắc tăng cao
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhân, trong đó có 13 người mắc sốt xuất huyết (SXH), còn lại là các bệnh về đường hô hấp như cúm và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Theo quy luật hằng năm, đây là thời điểm nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh SXH. Có gia đình 2 người mắc SXH do lây chéo.
Bà Nguyễn Thị Th. (51 tuổi) cùng con trai là anh Lê Văn H. (29 tuổi) ở xã Tân Tiến (Gia Lộc) cùng bị mắc SXH.
Triệu chứng ban đầu của hai mẹ con đều sốt cao, mỏi cơ, đau đầu. Gần đây nhất ngày 25.10, trong tỉnh ghi nhận thêm 1 ổ dịch SXH nội địa tại xã Cao An (Cẩm Giàng) với 2 bệnh nhân mắc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng đã tổng vệ sinh môi trường, sử dụng tới 9 máy phun hóa chất, trong đó 2 máy công suất lớn và 1 máy phun mù nóng để diệt muỗi trong phạm vi 200 m từ tâm ổ dịch.
Ngoài ra, SXH còn xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện...
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 4.10 đến nay, bệnh SXH bùng phát nhanh với nhiều ca mắc liên tục. Trung bình mỗi tuần có hơn 10 người mắc bệnh này, chủ yếu mang mầm bệnh từ nơi khác về địa phương.
Trong 21 ngày của tháng 10 (từ ngày 4 - 25.10) đã có 39 ca mắc, nâng tổng số lên 128 người mắc SXH từ đầu năm đến nay (16 ca nội địa dương tính với SXH Dengue). Số ca mắc SXH đã tăng hơn 30 trường hợp so với cả năm 2018.
Các bệnh truyền nhiễm khác cũng bắt đầu tăng mạnh. Có 212 ca mắc bệnh sởi, tăng 205 ca so với cùng kỳ năm trước; 374 ca thủy đậu, tăng 183 ca; gần 8.600 ca bị cúm; 148 ca tay - chân - miệng; 28 ca ho gà. Các bệnh này chủ yếu xuất hiện từ đầu tháng 10 đến nay.
Tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Hải Dương, những ngày chớm đông có nhiều trẻ mắc bệnh tiêu chảy do Rota virus vào nhập viện. Tuần cao điểm trong tháng 10, khoa điều trị cho 50 trẻ, trong đó trên 30 trẻ mắc tiêu chảy.
Xử lý triệt để các ổ dịch mới
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thời điểm hiện tại, nhiều dịch bệnh sẽ khởi phát, đặc biệt bệnh SXH đang là đỉnh dịch.
Những người dễ nhiễm bệnh như người cao tuổi và trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh đột ngột. Cần tiêm các loại vaccine phòng bệnh cho trẻ...
Hạn chế tối đa tụ tập đông người và nên đeo khẩu trang khi đi ra đường để tránh nguy cơ mắc các bệnh hô hấp. Một biện pháp hiệu quả để phòng bệnh là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ loại trừ các mầm bệnh về đường tiêu hóa, tay - chân - miệng, thủy đậu...
Nhiều người bệnh tự ý mua thuốc điều trị tại nhà nhiều ngày sau đó bệnh nặng mới vào bệnh viện điều trị dẫn đến rất khó kiểm soát dịch bệnh. Việc tự ý điều trị là hoàn toàn sai lầm khi chưa có chỉ định của các bác sĩ.
Nhiều bệnh truyền nhiễm có khởi phát bệnh gần giống nhau là sốt như SXH, viêm màng não mủ, viêm não... Do đó, bệnh nhân cần được khám và xét nghiệm chính xác.
Khi tự ý mua thuốc điều trị sẽ gây biến đổi các triệu chứng ban đầu khiến chẩn đoán bệnh khó khăn hơn, phải kéo dài thời gian điều trị, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Ngành y tế đang tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; tăng cường giám sát ca bệnh mắc mới để cách ly điều trị.
Các đơn vị tăng cường giám sát bệnh nhân tại bệnh viện và cộng đồng; kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, điều tra lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán sớm nguyên nhân gây bệnh.
ĐỨC THÀNH