Sau 4 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, qua tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tình hình chính trị, tư tưởng trong nội bộ Đảng và nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc đã được đưa ra giải quyết, qua đó đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 đã được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ. Trong quá trình kiểm điểm, các tổ chức Đảng đã tập trung tìm ra nguyên nhân và những hạn chế, yếu kém; chỉ ra khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ngay sau kiểm điểm, việc khắc phục sửa chữa khuyết điểm được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo, kiểm tra và giải quyết kịp thời, dứt điểm. Nhiều sai phạm, tồn đọng trong quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm, bức xúc kéo dài nhiều năm ở địa phương đã được các cấp chính quyền, đơn vị tập trung chỉ đạo xử lý. Những việc làm nhũng nhiễu, gây khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, tiêu cực trong tuyển dụng đã được các cấp chính quyền, đơn vị làm rõ và xử lý kịp thời. Tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo triển khai đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm như quảng trường Hùng Vương, khu du lịch Văn Lang…
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tỉnh Phú Thọ đã có sự chuyển biến rõ nhất trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh. Hiện nay, trên địa bàn tất cả các hoạt động kỷ niệm, tổng kết không tổ chức tràn lan, kéo dài; hạn chế cử cán bộ, đảng viên đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ cũng chú trọng công tác kiểm tra giám sát, tập trung vào những vấn đề dễ phát sinh tham nhũng như quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; mua sắm tài liệu công; quản lý thu chi ngân sách; quản lý các dự án đầu tư; việc đề bạt, luân chuyển, điều động cán bộ… Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tiến hành 206 cuộc thanh tra tại 581 đơn vị trên các lĩnh vực, qua đó đã phát hiện sai phạm về kinh tế trên 169,9 tỷ đồng. Các cơ quan điều tra đã làm rõ 27 vụ án tham nhũng, đưa hàng chục đối tượng ra xử lý trước pháp luật. Việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã góp phần nâng cao sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình, phê bình của cán bộ đảng viên, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu hách dịch cửa quyền…
Công tác đào tạo nguồn, quy hoạch, đề bạt bố trí, luân chuyển, sử dụng cán bộ lãnh đạo gắn với chuẩn bị nhân sự cấp ủy phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ chú trọng. Trong 4 năm qua, đã có 55 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức dự nguồn Ban chấp hành, 6 đồng chí được bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp và hàng chục đồng chí được bồi dưỡng chức danh… Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thực hiện điều động 46 lượt cán bộ về giữ chức vụ chủ chốt tại các huyện và lãnh đạo đơn vị ngành cấp tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã thẳng thắn nêu ra những mặt còn tồn tại, hạn chế gồm: quá trình kiểm điểm tính chiến đấu chưa cao, nhiều góp ý còn mang tính chung chung chưa chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chưa chú ý phân tích nguyên nhân, biện pháp khắc phục khuyết điểm. Bên cạnh đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có nơi còn biểu hiện hình thức, chưa trở thành ý thức tự giác, thường xuyên của cán bộ đảng viên; chất lượng quy hoạch cán bộ chưa có tính khả thi; việc đánh giá cán bộ quản lý một số cơ quan chưa phản ánh đúng thực chất; việc chỉ đạo làm rõ khuyết điểm sau kiểm điểm có đơn vị chậm, chưa thường xuyên...
Để Nghị quyết Trung ương 4 tiếp tục đi vào đời sống, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ xác định các nhiệm vụ trọng tâm: phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chế độ công vụ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đưa Phú Thọ trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư và sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, xử lý các vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách lề lối làm việc theo hướng dân chủ, sâu sát cơ sở; củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân, thông qua việc đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân, đối thoại giữa những người đứng đầu chính quyền với dân. Tỉnh cũng coi trọng việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, xây dựng tiêu chí cho từng loại chức danh lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo...
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức cơ sở Đảng nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống...
TTXVN