Các chuyên gia đều cho rằng phản ứng phụ sau tiêm vắc xin là nằm trong dự đoán và các trường hợp tử vong sau tiêm cho thấy không liên quan vắc xin.
Các quan chức Chính phủ El Salvador vui mừng khi tiếp nhận các lô vắc xin AstraZeneca được chuyển đến theo chương trình COVAX vào ngày 11.3
Giống như tất cả các loại dược phẩm mới, những vắc xin được phê duyệt để bảo vệ con người chống lại dịch COVID-19 được đón nhận với một số lo ngại về độ an toàn và các tác dụng phụ. Tuy nhiên, liệu có sự liên hệ nào giữa vắc xin và những tình trạng nghiêm trọng, gồm cả thiệt mạng?
Những phản ứng sau khi tiêm
Nhiều người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đã bị sốt, đau đầu và một số dạng đau nhức khác ngay tại vết tiêm. Nhìn chung những tác dụng phụ sẽ biến mất nhanh chóng sau đó.
Bài viết của Hãng tin Bloomberg ngày 13.3 cho biết có một số ít gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng, gọi là "sốc phản vệ". Một số người bị đông máu, một số khác bị chứng liệt mặt tạm thời (Bell’s palsy). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác minh được mối liên hệ nào giữa các vấn đề này với vắc xin ngừa COVID-19.
Thậm chí, một số nước đã ghi nhận các ca tử vong sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nhưng các chuyên gia y tế hiện không tìm thấy bằng chứng cho thấy vắc xin là nguyên nhân gây ra cái chết.
Mỹ và Anh khuyên những người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin ngừa COVID-19 không tiêm vắc xin. Người ta có thể đối phó nhanh chóng với sốc phản vệ bằng cách dùng thuốc kháng histamin (antihistamine) cùng với tiêm thuốc adrenaline, giúp làm chậm hoặc ngưng các phản ứng miễn dịch. Các nhân viên y tế đảm trách công tác tiêm vắc xin sẽ mang theo các loại thuốc như vậy để sẵn sàng sử dụng khi cần.
Ở Mỹ, nhân viên y tế theo dõi tình trạng của người được tiêm vắc xin ít nhất 15 phút sau khi tiêm. Những người có tiền sử bị phản ứng dị ứng sẽ được giám sát lâu gấp đôi. Những người gặp các phản ứng với liều vắc xin đầu tiên không nên tiêm liều thứ hai, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ.
Không có bằng chứng
Na Uy là quốc gia đầu tiên ghi nhận các trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Hồi giữa tháng 1, giới chức quốc gia Bắc Âu này cho biết 33 người trong độ tuổi từ 75 trở lên đã tử vong một thời gian ngắn sau khi tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc y tế Anh (MHRA) cho biết tới cuối tháng 2 vừa qua, có 227 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech và 275 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca. Các ca tử vong này chủ yếu ở người già hoặc người đã có bệnh nền, và không có bằng chứng cho thấy vắc xin là nguyên nhân.
Tại Đức, sau một cuộc điều tra, Viện Paul Ehrlich cho biết cái chết của 7 người cao tuổi ngay sau khi tiêm vắc xin Hãng Pfizer/BioNTech rất có thể do bệnh nền trong người các bệnh nhân này.
Với Mỹ - quốc gia đang sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, CDC cho biết tính tới ngày 8.3, có 1.637 ca tử vong được ghi nhận ở những người được tiêm vắc xin, chiếm tỉ lệ 0,002%, và không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ.
Còn nhà chức trách Hong Kong - nơi phần lớn triển khai tiêm vắc xin từ Hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc - hồi đầu tháng 3 cho biết có 3 ca tử vong trong số hơn 130.000 người được tiêm vắc xin. Không mối liên hệ nào giữa các ca tử vong này với vắc xin ngừa COVID-19 được kết luận.
Đầu tháng 3, nhiều quốc gia châu Âu đã tạm ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca sau khi ghi nhận các trường hợp bị đông máu, gồm 1 ca tử vong ở Áo và 1 ca tử vong ở Đan Mạch. Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đang điều tra vụ việc nhưng lưu ý không có dấu hiệu cho thấy mối liên hệ với vắc xin của hãng này.
Tính đến hôm 10.3, có 30 trường hợp bị thuyên tắc huyết khối, trong số gần 5 triệu người đã được tiêm vắc xin AstraZeneca trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU). Canada nói rằng vắc xin AstraZeneca vẫn an toàn.
Theo Tuổi trẻ