Nhiều địa phương đã có những cách làm hay để vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng phong trào khuyến học phát triển.
|
Các Hội Khuyến học cấp xã đã hỗ trợ tích cực cho việc dạy, học trong các nhà trường. Trong ảnh: Hội Khuyến học phường Thanh Bình (TP Hải Dương) trao thưởng cho các giáo viên có thành tích xuất sắc |
Khó huy động quỹ, cán bộ kiêm nhiệm luôn bận rộn... là những khó khăn chung của các Hội Khuyến học cấp xã. Tuy vậy, nhiều địa phương đã có những cách làm hay để vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng phong trào khuyến học phát triển.
Hỗ trợ giáo dụcVốn là những người có thâm niên công tác trong ngành giáo dục, các cán bộ Hội Khuyến học phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) thường xuyên tham gia tư vấn với hiệu trưởng các trường tại địa phương về đổi mới công tác quản lý trường học, xây dựng nền nếp trực ban, trực nhật. Các hội viên khuyến học nòng cốt phổ biến tới các hội viên phương pháp quản lý, kèm cặp con cháu học tập tại nhà, đồng thời vận động người dân cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học. Với sự hỗ trợ tích cực này, tỷ lệ học sinh giỏi của Trường Tiểu học, THCS ở đây mỗi năm đạt bình quân hơn 40%; trường mầm non, tiểu học đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1, trường THCS luôn giữ vững trường tiên tiến, đang phấn đấu được công nhận đạt chuẩn. Ông Phạm Quang Đối, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Thạch Khôi cho biết: "Để phong trào khuyến học của phường phát triển rộng khắp thì cán bộ khuyến học phải có 5 chữ T: có tâm, có trí, có tài, có tín nhiệm và có thời gian. Đồng thời phải coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người hiểu được làm khuyến học chính là làm giáo dục, chăm lo cho tương lai của con em mình".
Các Hội Khuyến học cấp xã thường không có nguồn quỹ lớn để hỗ trợ các trường học song nhiều hội đã đóng vai trò là cầu nối tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ khuyến học mà Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ủng hộ Trường THCS Minh Đức, THCS Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) mỗi trường hơn 900 triệu đồng để tu sửa cơ sở vật chất. Hội Khuyến học phường Thạch Khôi vận động ông Nguyễn Văn Quỳnh, một thương binh thành đạt ủng hộ 180 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học của 3 trường mầm non, tiểu học, THCS của phường... Với những tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho phong trào khuyến học, các địa phương thường làm bảng vàng danh dự, tổ chức trang trọng để trao tặng. Sự ghi nhận này có tác dụng thúc đẩy phong trào lan toả.
Phối hợp hiệu quả với tổ chức khác |
Hội Khuyến học xã Thanh Bính (Thanh Hà) thường xuyên phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân |
Hiện nay, việc gây quỹ của các Hội Khuyến học cấp xã thường khó khăn hơn so với các hội cấp trên, các dòng họ. Vì thế, nhiều xã đã tháo gỡ bằng cách tạo nguồn quỹ ổn định cho Hội Khuyến học. Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cho biết xã đã xin ý kiến HĐND xã thu mỗi khẩu 1.000 đồng/người/năm (trước đây), nay là 2.000 đồng/người/năm cho công tác khuyến học. Số tiền này không lớn, lại được bố trí thu vào lúc người dân nộp sản lượng vụ chiêm xuân nên được bà con đồng tình ủng hộ. Xã cũng giao các trường học tổ chức các hoạt động khuyến học cụ thể như tổ chức trao thưởng, cho học sinh tham quan các di tích văn hoá, lịch sử trong và ngoài địa phương.
Thực tế cho thấy ở những nơi cán bộ khuyến học tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và ngược lại cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tới công tác này thì phong trào phát triển sôi nổi, hiệu quả. Từ năm 2008, Đảng ủy phường Bến Tắm (Chí Linh) đã xây dựng nghị quyết về công tác khuyến học, trong đó phân công nhiệm vụ cho mỗi đồng chí Đảng ủy viên chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo hoạt động của 1 Chi hội Khuyến học. Vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học được sát sao, cụ thể hơn. Do đó, các Chi hội Khuyến học hoạt động sôi nổi hơn, số lượng hội viên khuyến học ngày càng tăng, hiện có hơn 900 hội viên.
Ngoài ra, các Hội Khuyến học cấp xã thường phối hợp với nhiều đoàn thể, đơn vị, tổ chức khác để hỗ trợ phong trào phát triển. Ông Phạm Hồng Cung, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Lâm (Nam Sách) cho biết hội đã vận động được toàn bộ 945 hội viên người cao tuổi tham gia công tác khuyến học. Người cao tuổi thường có uy tín trong gia đình, dòng họ nên sự kêu gọi của họ sẽ quy tụ nhiều người. Hiện nay, An Lâm đã xây dựng được 4 quỹ dòng họ lớn, gồm họ Đoàn (thôn An Lương), họ Vương (thôn Lang Khê), họ Khúc (thôn Đông Lư), họ Vũ (thôn Bạch Đa), mỗi quỹ từ 20 triệu đồng trở lên. Nhiều Hội Khuyến học cấp xã còn phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Chẳng hạn, xã Thanh Bính mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vải, chăn nuôi gà, vịt; xã Tiền Tiến (cùng ở Thanh Hà) mở lớp dạy nghề may công nghiệp, điện dân dụng; xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) mở lớp dạy nghề giày da truyền thống... Những lớp tập huấn, dạy nghề này tạo cơ hội cho người dân không ngừng học tập, nâng cao trình độ trong công việc, sản xuất hằng ngày, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Hội Khuyến học cấp xã không chỉ coi trọng việc động viên, khen thưởng mà hướng đến đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục trên nhiều mặt - đó là cách làm tạo ra hiệu quả lâu dài, giúp nuôi dưỡng sự học bền vững.
VIỆT HOÀ