Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp.
Tại hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 do Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa tổ chức, PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nêu một thực trạng thừa dinh dưỡng đáng quan ngại. "Hiện nay, trung bình một người Việt tiêu thụ 134 gram thịt/ngày, riêng người dân đô thị tiêu thụ 154 gram thịt/ngày. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt theo khuyến nghị dinh dưỡng là 50 - 80 gram/ngày. Tổ chức phòng chống ung thư thế giới khuyến cáo, mỗi người dân không tiêu thụ quá 70 gram thịt/ngày"- PGS Mai nói.
Nên ăn nhiều cá, rau và quả
Theo chuyên gia dinh dưỡng, trong khi tiêu thụ thịt đang thừa so với khuyến nghị thì tiêu thụ rau củ quả tăng không đáng kể. Năm 2010, trung bình một người Việt tiêu thụ 190 gram rau/ngày và 60,9 gram quả/ngày thì tới nay tăng lên 230 gram rau/ngày và 127 gram quả/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 65% người Việt đạt mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả. Lượng cá trung bình ở người trưởng thành chỉ đạt 60g/ngày, bằng 1/5 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài ăn ít rau, nhiều thịt, người Việt cũng đang nằm trong nhóm nước ăn mặn với 9,4 g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO. Chưa kể, tỉ lệ uống rượu bia trong những năm gần đây liên tục tăng, trong đó có gần một nửa nam giới trong diện khảo sát uống rượu bia ở mức nguy hại và 1/3 số người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.
Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, một loạt bệnh không lây nhiễm ở người Việt đang gia tăng như tiểu đường, ung thư, đột quỵ… là hệ quả của chế độ ăn uống không hợp lý. Đến nay, để dự phòng, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. "Việc ăn quá nhiều thịt, trong đó có thịt đỏ là một trong những yếu tố được khuyến cáo làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ăn quá nhiều thịt là gánh nặng cho thận; gia tăng rối loạn chuyển hóa (tăng axít uric máu, gây bệnh gout). Chiến lược dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung can thiệp phòng suy dinh dưỡng cho vùng có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao. Đồng thời, cần có các giải pháp truyền thông đến người dân về dinh dưỡng hợp lý" - GS Tuyên nhấn mạnh.
Người Việt đang gia tăng các bệnh như tiểu đường, ung thư, đột quỵ… là hệ quả của chế độ ăn uống không hợp lý
Người trẻ thích thức ăn nhanh
Một nghiên cứu về sử dụng ăn nhanh ở người 15-25 tuổi được nghiên cứu tại một số vùng nông thôn và thành thị thuộc TP Hà Nội được công bố tại Viện Dinh dưỡng Trung ương cho thấy xu hướng tiêu thụ thường xuyên thức ăn nhanh ngày càng phổ biến. Tiêu thụ thường xuyên các mặt hàng thức ăn nhanh đã xác định là xu hướng ở gần 90% người tham gia. Theo nghiên cứu này, dù biết rằng thức ăn nhanh rất nghèo chất dinh dưỡng, nhiều năng lượng, chất béo trung tính, cholesterol và các chất gây nghiện thực phẩm… nhưng có tới 61,5% sinh viên vẫn thường xuyên ăn thức ăn nhanh vì ngon. Cùng đó có tới 56,3% người tiêu dùng ăn vì giá cả phải chăng; 44,5% ăn vì vị trí thuận tiện và khoảng 40% thường xuyên ăn thức ăn nhanh bởi cửa hàng sạch sẽ và dịch vụ nhanh chóng. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng thói quen ăn uống không lành mạnh, trong đó có xu hướng ngày càng phổ biến là tình trạng tiêu thụ đồ ăn nhanh được xác định là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhanh tình trạng thừa cân/ béo phì ở trẻ em Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Trần Quốc Bảo, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ước tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư. Đặc biệt, bệnh tăng huyết áp có thể gây ra các bệnh lý tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu Việt Nam.
Theo ông Bảo, có 4 yếu tố nguy cơ phổ biến hình thành bệnh không lây nhiễm là hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, dẫn đến các thay đổi sinh chuyển hóa trong cơ thể, gây thừa cân béo phí, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng lượng đường trong máu, từ đó phát triển thành bệnh. Qua khảo sát cho thấy có hơn một nửa số người trưởng thành ở nước ta ăn ít rau, trái cây so với mức khuyến cáo của WHO (tối thiểu là 400 gram mỗi ngày của người trưởng thành). Đây là cách phòng chống nhiều bệnh tật nhưng người Việt chỉ đạt được một nửa.
Ông Bảo cho biết ăn mặn cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. "Với con số 12 triệu người bị tăng huyết áp, đây là bệnh hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm ngàn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm" - ông Bảo nói.
Theo Người lao động