Thủ đoạn các nhóm tội phạm buôn người thường sử dụng là tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, dụ dỗ người dân rơi vào cạm bẫy mua bán người.
Tại họp báo định kỳ về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh diễn ra chiều 23/6, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm buôn người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm. Các nhóm tội phạm buôn người thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, dụ dỗ người dân rơi vào cạm bẫy mua bán người.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm buôn bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn hoặc thiếu việc làm. Ngoài ra, nhóm buôn người cũng nhắm đến những thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi, các em gái trẻ tuổi có tư tưởng muốn đổi đời... để lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, môi giới kết hôn, thậm chí rủ đi du lịch rồi bán nạn nhân ra nước ngoài để trục lợi.
Thủ đoạn các nhóm tội phạm buôn người thường sử dụng là tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, dụ dỗ người dân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Ví dụ, các đối tượng đăng quảng cáo tuyển nhân viên việc nhẹ lương cao, được bao ăn ở. Để chiếm lòng tin, chúng đưa ra thêm các điều kiện như biết đánh máy, giọng nói tốt thì lương cao... Khi có người mắc bẫy, chúng sẽ đưa nạn nhân qua đường tiểu ngạch sang Campuchia rồi yêu cầu trả tiền đưa qua; bắt, khống chế nạn nhân và yêu cầu gia đình chuyển tiền hoặc bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.
Để hạn chế tình trạng này, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan ngoại giao để điều tra, xử lý. Thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị: "Khi xảy ra vụ việc thì nạn nhân hoặc người nhà có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất, trong đó cung cấp càng đầy đủ thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian địa điểm, phương thức đối tượng thì chúng tôi sẽ có cơ sở thuận lợi để điều tra hỗ trợ các nạn nhân trong các vụ việc".
Được biết, thời gian qua, có nhiều đường dây lừa bán lao động trái phép qua Campuchia bằng các đường tiểu ngạch. Khi vào làm việc mà không đáp ứng yêu cầu thì dễ bị bán cho chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi…Mới đây nhất là vụ việc cô gái 16 tuổi, sau khi đi xe khách đến TP Hồ Chí Minh để tìm việc theo lời mời của một người lạ trên mạng xã hội, bị mất tích, khiến dư luận xôn xao. Qua điều tra, cô gái này cùng một số thiếu nữ khác bị đưa từ TP Hồ Chí Minh lên Tây Ninh rồi vượt biên qua Campuchia.
Theo VOV