Người xưa nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để cho thấy ai cũng cần phải có một nghề để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
Người nào càng giỏi nghề, thu nhập càng cao và danh tiếng sẽ đến. Nhờ có giỏi nghề mà con người ta có nhiều của nả tiền bạc, từ đó chứng tỏ người đó tài giỏi, ai kém cỏi về nghề nghiệp chắc chẳng thể khá giả. Do đó ca dao mới có câu “Thế gian chuộng của chuộng công/Nào ai có chuộng người không bao giờ". Vì thế, muốn giỏi nghề, không có con đường nào khác là phải học tập. Điều này khẳng định rõ ràng rằng, học nghề và giỏi nghề là cái đích mà mọi người vươn tới trên con đường mưu sinh trong suốt cuộc đời.
Ngày trước, người ta nghĩ rằng đi học, dùi mài kinh sử chỉ cốt đỗ đạt để làm quan. Còn những thường dân thợ cày, thợ cấy đến thợ rèn, thợ mộc, thợ nề, thợ may… chỉ trực tiếp làm ra công cụ, sản phẩm nông nghiệp. Ngày nay, đất nước phát triển đòi hỏi dù lao động trí óc hay ở ngành nghề gì cũng phải học tập, học đến suốt đời. Thời buổi công nghệ phát triển với tốc độ nhanh đến chóng mặt càng thúc giục mọi người phải nắm bắt kiến thức, công nghệ tiên tiến. Không phải bỗng dưng mà thành người có nghề. Ngay người làm nghề nông bây giờ muốn giỏi cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật mới có khả năng trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ai muốn vào làm ở các khu công nghiệp cũng phải có trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật đáp ứng được đòi hỏi của cơ sở sản xuất. Đặc biệt các làng nghề đang mở rộng, trở thành đất dụng võ, đang thu hút nhiều thợ giỏi tạo công ăn việc làm sau lũy tre làng.
Nhân dân ta có truyền thống hiếu học. Nhưng học để làm gì đang là vấn đề bức xúc hiện nay? Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, rồi tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nhiều doanh nghiệp cần tuyển người làm việc nhưng đều gặp khó khăn, vì người dự tuyển cho dù đã qua nhiều trường lớp nhưng vẫn không phù hợp với công việc. Ngày nay có nghề tinh thông mới có cơ sở làm ăn lâu dài theo đúng lời các cụ xưa đã dạy: “Một nghề cho chín hơn chín nghề” hay “Của rề rề không bằng nghề trong tay”. Vì thế, xem ra công tác đào tạo nâng cao chất lượng học hành, chất lượng tay nghề vẫn là nhu cầu lớn của toàn xã hội đang đòi hỏi. Do đó, xã hội đang cần gì thì đào tạo cái ấy, định hướng và kế hoạch đào tạo cần sớm cân đối nguồn nhân lực cho hôm nay và mai sau.
Để có một nghề giỏi, bên cạnh định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, điều quan trọng là sự chọn nghề phù hợp năng lực, trí tuệ của mỗi người. Nghề nào cũng là cao quý, anh thợ giỏi chắc chắn hơn anh kỹ sư tồi, người nông dân nuôi trồng giỏi có thua gì nhà khoa học… Chính vì vậy, mỗi người chúng ta khi đã xác định được nghề thì phải say mê với nghề, phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt trình độ tay nghề giỏi. Học tập có bằng cấp cũng mới chỉ là cầm được chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào nghề. Muốn có vinh quang thì suốt cả cuộc đời phải học, học ở trường lớp, học qua thực tiễn và tự học để vươn lên. Bí quyết để đạt được “nhất nghệ tinh” … chỉ có một con đường duy nhất là kiên trì phấn đấu mà thôi.
NGUYỄN HUY THỰC (Chí Linh)