Việc Nhật Bản coi trọng việc bảo vệ không gian vũ trụ xuất phát từ việc các nước lớn đang nhanh chóng phát triển năng lực trên không gian vũ trụ nhằm đảm bảo ưu thế về quân sự của mình.
Binh sỹ thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đang xây dựng kế hoạch cải cách Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) thành Lực lượng phòng vệ trên không và vũ trụ trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguy cơ đe dọa tới các hoạt động trên không gian vũ trụ.
Kế hoạch này có thể sẽ được triển khai từ tài khóa 2021 và chậm nhất là năm 2023.
Nhật báo Yomiuri cho biết việc cải danh cho ba lực lượng phòng vệ mặt đất-trên không-trên biển diễn ra gần nhất vào năm 1954.
Lần này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ trình lên dự thảo cải danh tên gọi của ASDF vào trong Luật Phòng vệ và Luật xây dựng Bộ Quốc phòng tại phiên họp bất thường của Quốc hội vào mùa thu năm 2020.
Trong dự thảo mới, sẽ đưa thêm một số quy định về nhiệm vụ của ASDF trong không gian vũ trụ, khu vực được xác định là không gian có độ cao trên 100km.
Biên chế cố định của ASDF hiện nay vào khoảng 47.000 người. Theo dự thảo mới, sẽ có 70% biên chế hiện nay tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ truyền thống của ASDF tới nay, còn lại 30% sẽ được bổ sung nhiệm vụ bảo vệ không gian vũ trụ.
Theo lộ trình, từ năm 2020, đội tác chiến vũ trụ mới được thành lập với quân số 20 người và có nhiệm vụ theo dõi, giám sát các biến động trên không, tới năm 2023 sẽ bắt đầu thực hiện giám sát không gian vũ trụ với quy mô 120 người.
Đến năm 2026, lực lượng này sẽ phóng lên các loại vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh bị khả nghi trong không gian.
Việc Nhật Bản coi trọng việc bảo vệ không gian vũ trụ xuất phát từ việc các nước lớn đang nhanh chóng phát triển năng lực trên không gian vũ trụ nhằm đảm bảo ưu thế về quân sự của mình.
Theo Đại cương Kế hoạch phòng vệ được Chính phủ Nhật Bản thông qua vào cuối năm 2018, không gian vũ trụ được xác định là khu vực quan trọng có tính chất sống còn tới việc đảm bảo ưu thế của Nhật Bản.
Do vậy, việc xem xét cải tổ ASDF đã được tiến hành từ mùa Hè năm 2019. Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố việc tiến lên xây dựng Lực lượng phòng vệ trên không và vũ trụ không còn là "một giấc mơ."
Tokyo cũng đang nghiên cứu việc sở hữu các thiết bị có thể bảo vệ vệ tinh nhân tạo khỏi các đòn tấn công từ vệ tinh tiêu diệt.
Chi phí cho lĩnh vực vũ trụ được xác định ở mức 50,6 tỷ yen (tương đương 465 triệu USD) trong dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021.
Tại Mỹ, Lực lượng vũ trụ cũng đã chính thức được thành lập từ tháng 12.2019.
Hiện, ASDF đang tích cực tăng cường liên kết với Mỹ thông qua việc tham gia một số cuộc diễn tập đa phương bảo vệ không gian vũ trụ do Mỹ chủ trì.
Theo TTXVN