Nhật Bản trước bước ngoặt lịch sử về chính sách quốc phòng

30/06/2014 14:58

Nhật Bản đứng trước bước ngoặt lịch sử về chính sách quốc phòng khi nội các nước này bỏ phiếu gỡ bỏ lệnh cấm đối với chính sách phòng vệ tập thể trong ngày 1-7.



Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễu binh ở căn cứ Asaka gần Tokyo

Với việc gỡ bỏ này, quân đội Nhật có thể tham gia hỗ trợ các nước đồng minh khi các nước này bị tấn công. Theo dự thảo cuối cùng được liên minh cầm quyền đưa ra, Nhật Bản có thể sử dụng quân sự ở mức tối thiểu trong các trường hợp các nước đồng minh của họ bị tấn công và cuộc tấn công này có đủ các yếu tố sau: đe dọa tới sự tồn vong của nước Nhật; có mối đe dọa trực tiếp đối với quyền được sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc của dân Nhật; không còn biện pháp phù hợp nào khác.

Bước chuyển cán cân an ninh khu vực

Việc Tokyo có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động quân sự trong khu vực được coi là bước chuyển lớn đối với cán cân an ninh châu Á - đặc biệt là với Bắc Kinh. Ràng buộc về hiến pháp khiến quân đội Nhật khó tham gia các hoạt động quân sự trong khu vực dù đây là lực lượng được trang bị và huấn luyện vào loại tốt nhất khu vực.

“Nếu có thể vượt qua được hệ thống chính trị Nhật, đây sẽ là thay đổi quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng Nhật kể từ khi lực lượng phòng vệ được thành lập năm 1954”, Reuters trích lời giáo sư Alan Dupont của ĐH New South Wales (Úc) nói.

Chia rẽ sâu sắc

Sự chia rẽ có thể thấy khi các tờ báo lớn có quan điểm rất khác nhau về vấn đề này. Nhật báo lớn nhất Yomiuri ngày 28-6 có bài xã luận ủng hộ bước đi là “phù hợp” và bác bỏ các chỉ trích khi nói quyền tự vệ tập thể nếu có triển khai cũng sẽ phải xin phép Quốc hội mỗi khi vận dụng. Tờ báo lớn thứ hai Asahi cùng ngày có bài xã luận khác chỉ trích động thái là “hành vi gian dối hiến pháp nghiêm trọng” và “là trò rẻ tiền để chấm dứt tranh luận đối với vấn đề quan trọng này”.

Một thăm dò của Kyodo cho thấy 55,4% cử tri bác bỏ ý định gỡ bỏ lệnh cấm đối với quyền tự vệ tập thể. Hôm qua một thanh niên đã tự thiêu ngay giữa Tokyo để phản đối kế hoạch này.

Để tránh sự phản đối trong nội bộ, thay vì thay đổi hiến pháp, chính quyền Abe chỉ thay đổi cách diễn giải hiến pháp thay vì đi bằng thủ tục thay đổi thông thường (bổ sung tu chính án hoặc thay đổi điều lệ hiến pháp) được dự đoán là sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều này khiến những người phản đối thay đổi chỉ trích kịch liệt vì coi đây là bóp méo luật.

Lệnh cấm phòng ngự tập thể từng được áp đặt sau Thế chiến thứ 2 nhằm kiềm chế sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt. Gần bảy thập kỷ sau thế chiến, lệnh cấm này lại đang kìm hãm Tokyo trong việc đảm bảo an ninh của bản thân cũng như tham gia vào an ninh khu vực.

Việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp đang được sự ủng hộ mạnh của Mỹ, nước muốn Nhật trở thành đồng minh cân bằng hơn nữa trong liên minh quân sự. Ngoài ra, các nước ở khu vực cũng rất ủng hộ kế hoạch này trước sự vươn lên ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc. Mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của Tokyo trong an ninh khu vực đã được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhắc tại Đối thoại Shangri-La khi khẳng định giờ là thời điểm mà không nước nào có thể tự một mình đảm bảo được hòa bình.

55% cử tri bác bỏ

Giới cứng rắn ở Nhật coi điều 9 của hiến pháp hạn chế nghiêm trọng khả năng phòng vệ của Nhật Bản và việc thay đổi trật tự ở khu vực, đặc biệt là sự vươn lên của Trung Quốc đòi hỏi chính sách an ninh của Nhật phải được linh động hơn. Kể từ khi trở lại cuối năm 2012, Thủ tướng Abe, ngoài cam kết phục hồi kinh tế, đã khẳng định quyết tâm thay đổi hiến pháp để củng cố an ninh.

“Nhật Bản cuối cùng cũng bắt kịp được tiêu chuẩn toàn cầu về an ninh” - nhà cựu ngoại giao Kunihiko Miyake nói. “Về mặt biểu tượng, đây là bước tiến lớn. Thay đổi lớn đối với chính sách an ninh và quốc phòng Nhật sau Thế chiến về cơ bản nói chúng ta sẽ tự bảo vệ mình chứ không dùng vũ lực giúp nước khác - về mặt học thuyết, đây là thay đổi lớn” - Narushige Michishita, chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS) ở Tokyo nói.

Ông cũng nói thêm: “Nhưng người dân Nhật sẽ không ủng hộ việc Nhật cam kết với các tình huống hay cuộc chiến ở bên ngoài mà quá xa so với diễn giải”.

Các tình huống mà Chính phủ Nhật đưa ra đến giờ bao gồm như bảo vệ tàu Mỹ đang sơ tán công dân Nhật, hỗ trợ tàu Mỹ bị tấn công gần Nhật Bản hay bắn hạ tên lửa đạn đạo đang nhắm vào lãnh thổ Mỹ, hay tham gia chiến dịch dọn dẹp ngư lôi khi xung đột trên biển làm gián đoạn tuyến hàng hải quan trọng nào đó. Các chuyên gia cho rằng các tình huống đưa ra có vẻ là biện pháp để thuyết phục dân chúng thay đổi quan điểm hơn là tình huống thật sự.

Thay đổi dù vậy sẽ giúp Nhật dễ dàng tham gia các hoạt động tập trận song phương và đa phương hơn với các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á vốn ủng hộ việc Tokyo mở rộng vai trò của mình.

THANH TUẤN(Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhật Bản trước bước ngoặt lịch sử về chính sách quốc phòng