Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự do.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda. (Nguồn: Asia Times)
Tầm quan trọng của thương mại tự do một lần nữa được Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda khẳng định trong bài phát biểu tại một hội thảo được tổ chức ngày 14.10 bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Indonesia.
Trong bài phát biểu này, người đứng đầu BOJ đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cần tiếp tục tiến hành đối thoại với nhận thức nâng cao về tầm quan trọng của thương mại tự do.
Theo nhận định của ông Kuroda, các hoạt động bảo hộ ngày càng gia tăng cùng với việc siết chặt các điều kiện tài chính được thực hiện ở nhiều nước trong thời gian gần đây chính là lời nhắc nhở giới hoạch định chính sách.
Ông Kuroda cảnh báo các nước cần thận trọng lưu ý đến các hoạt động cổ xúy chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới đang gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước đó, cũng trong một cuộc hội thảo ngày 13.10 tại Indonesia, Thống đốc Kuroda trấn an những quan ngại cho rằng việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể khiến các nền kinh tế châu Á tổn hại do tình trạng thoái vốn ồ ạt.
Ông khẳng định việc Fed tăng lãi suất theo lộ trình là tín hiệu tích cực đối với kinh tế toàn cầu, bởi việc Washington bình hường hóa chính sách tiền tệ phản ánh nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang ở trạng thái tốt.
Ngoài ra, ông Kuroda cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang làm gia tăng nguy cơ ở cấp độ "bất thường" đối với kinh tế thế giới.
Thêm vào đó, ông Kuroda cũng chỉ ra vấn đề dân số già đang trở thành một thách thức, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thụt lùi và thực tế này không chỉ xảy ra ở Nhật Bản, mà còn ở nhiều nước châu Âu và các nền kinh tế mới nổi.
Theo ông, dân số lão hóa có thể tạo ra những "thách thức nghiêm trọng" đối với nhiều nước bởi ngân hàng trung ương của các nước này buộc phải cắt giảm lãi suất sâu hơn như một giải pháp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Đề cập tình hình kinh tế Nhật Bản, ông Kuroda khẳng định BOJ đang đối mặt với thách thức khác biệt so với Fed, đó là việc Tokyo vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Do đó, Nhật Bản tiếp tục duy trì chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn ở thời điểm hiện tại.
Những tuyên bố của người đứng đầu BOJ được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều mối quan ngại về nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cùng với cảnh báo của IMF về việc Fed tăng lãi suất cơ bản có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Theo TTXVN