Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài 6: Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ

02/05/2021 16:38

Các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều có những điểm mới đáng chú ý trong phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.


Đảng ta xác định tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Giáo dục và đào tạo thích ứng với thời đại 4.0

Cương lĩnh năm 2011 đã đưa ra những quan điểm, định hướng lớn về phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT): "Phát triển GDĐT cùng với phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho GDĐT là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT theo nhu cầu phát triển xã hội". Các quan điểm trên không chỉ thể hiện sự phát triển về tư duy, nhận thức, kế thừa chủ trương nhất quán của Đảng ta qua các giai đoạn lịch sử, coi trọng sự nghiệp GDĐT, mà còn là vấn đề mang tính chiến lược xuyên suốt, bám sát xu thế phát triển của nhân loại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, luôn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới.

Thứ nhất, về đề mục, trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, lĩnh vực GDĐT ở mục V. So với Đại hội XII, tên đề mục đã thay cụm từ "phát triển" bằng cụm từ "nâng cao" chất lượng nguồn nhân lực và thêm cụm từ "phát triển con người". Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, vấn đề này được đề cập ở tiểu mục 3, phần V, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, với tiêu đề: phát triển nguồn nhân lực, GDĐT đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Điểm mới lần này là trực tiếp đề cập đến GDĐT đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Trước đây chỉ nhấn mạnh "phát triển nhanh GDĐT".

Thứ hai, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của GDĐT, yêu cầu phải "Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GDĐT cùng với KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước". Trước đây chỉ đề cập phương hướng chung "giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Thứ ba, nhấn mạnh GDĐT thích ứng với Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Do vậy phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Trước đây chỉ đề cập: "Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức". Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, KHCN và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, cụ thể hóa yêu cầu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển GDĐT, như: thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, "lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở".

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Thứ tám, đặt ra mục tiêu Việt Nam tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐT.

Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ


Phát triển khoa học và công nghệ thích ứng với Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu

Cương lĩnh năm 2011 khẳng định: "KHCN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại… Phát triển KHCN nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới".

Những thành tựu và hạn chế trong phát triển KHCN nhiệm kỳ Đại hội XII đặt ra yêu cầu phải tiếp tục xác định rõ định hướng mới nhằm phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Đại hội XIII xác định: "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ KHCN".

Thứ nhất, về đề mục, các Văn kiện Đại hội XIII, như Báo cáo chính trị tập trung đề cập ở mục VI với tiêu đề: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN. So với Đại hội XII, tiêu đề thêm cụm từ "thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao" và đặt lên trên để nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, vấn đề được trình bày ở điểm 2, mục V - Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, với tiêu đề: "Phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế". So với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, vấn đề này được trình bày ở điểm 10, mục IV - Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tiêu đề được xác định là "Phát triển KHCN thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững".

Thứ hai, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục làm rõ nội dung, yêu cầu: "Có chiến lược phát triển KHCN phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Trong bối cảnh đất nước hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII rất coi trọng ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh trọng yếu; ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

Thứ tư, Văn kiện Đại hội XII mới nêu: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KHCN". Văn kiện Đại hội XIII thay từ "cơ chế" bằng từ "thể chế": "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển KHCN".

Thứ năm, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển con người làm mục tiêu.

Thứ sáu, đã xác định rõ hơn nguyên tắc trong chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KHCN là theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng.

Thứ bảy, để phát huy và tăng cường tiềm lực KHCN quốc gia, Văn kiện Đại hội XIII xác định cụ thể hơn, đó là: Phát triển một số ngành KHCN mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước. Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu KHCN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu.

Bài 7: Phát triển văn hóa, xã hội, con người

(0) Bình luận
Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài 6: Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ