Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Giang Nam và người yêu (xin được gọi là T.) cùng công tác trong một cơ quan và yêu nhau, mọi người đều biết. Hai người hẹn nhau khi nào kháng chiến thành công sẽ làm lễ cưới.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Giang Nam và người yêu (xin được gọi là T.) cùng công tác trong một cơ quan và yêu nhau, mọi người đều biết. Hai người hẹn nhau khi nào kháng chiến thành công sẽ làm lễ cưới. Thế nhưng, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã làm thay đổi tất cả. T. được bố trí về hoạt động tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), còn nhà thơ của chúng ta được bí mật chuyển vùng. Giữa lúc bộn bề công việc, cơ quan rất quan tâm đến hạnh phúc lứa đôi, đã tổ chức ngay một lễ cưới đơn giản cho hai người. Sau đó là chia tay... Nỗi mơ ước được sống bên nhau sao mà da diết và cũng xa vời đến vậy!
Hai năm. Ba năm. Bốn năm… Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, kéo lê máy chém đi khắp nơi. Tin T. bị bắt, bị tra tấn, hành hạ, cứ ám ảnh nhà thơ từng đêm. Rồi một ngày kia, cuối năm 1960, ở căn cứ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Giang Nam được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gọi lên. Sau những lời thăm hỏi, động viên có vẻ khác thường, đồng chí báo tin: T. đã hy sinh trong tù. Có thể bị địch thủ tiêu! Giang Nam chào anh, rồi đi về chòi của mình (hồi đó mỗi người ở một chòi riêng xa nhau, đề phòng biệt kích đánh úp). Lòng anh chán ngán, nước mắt ròng ròng, khóc T.-một cô gái ốm yếu, chưa quen đấu tranh trong lòng địch. Và đêm đó, thắp ngọn dầu lửa tù mù, nhà thơ sáng tác một mạch bài "Quê hương". Không có câu nào xóa đi, viết lại. Kỷ niệm hai năm yêu nhau cứ dồn dập hiện lên từng câu, từng chữ. Bài thơ ấy, nhà thơ giữ chỉ mình mình đọc, vì trong thâm tâm cũng ngại “đang chiến đấu mà lại nói chuyện yêu đương”. Sau này, có chuyến giao liên, ông gửi bài thơ ra miền Bắc. Bài thơ "Quê hương" được đăng rộng rãi và bạn đọc rất xúc động.
Cho đến năm 1962, một tin bất ngờ từ TP Nha Trang: chị T. đã được địch thả ra. T. còn sống, sau mấy năm bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác. Thật không ngờ, cô gái trong "Quê hương" đã trở về từ cõi chết. Giang Nam không dám tin. Và chính trong bài thơ đã nói hộ ông: “Không tin được dù đó là sự thật”.
NGUYỄN HỮU PHÁCH
(Theo cuốn Sông núi quê hương - Nhà xuất bản Thanh niên-1997)