Từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nước ta có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992.
Qua các thời kỳ kháng chiến và kiến quốc, Hiến pháp đều ghi nhận được những thành quả to lớn của cách mạng và nhân dân đã đạt được. Hiến pháp đã làm tròn trách nhiệm của mình, đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy được tinh thần thi đua yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vượt qua mọi gian lao thử thách để giành được nhiều thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là thể chế hóa "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (bổ sung, phát triển năm 2011) và các nghị quyết từ sau Đại hội XI của Đảng. Qua đó góp phần thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 80 năm kể từ khi thành lập (3-2-1930), trải qua bao gian lao, thử thách, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta thoát khỏi cảnh tôi đòi nô lệ, trở thành nước độc lập, tự do và ngày nay thoát khỏi nước nghèo, trở thành nước có nền kinh tế đang phát triển, có vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói lịch sử đã chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo thành công cách mạng Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo của Đảng và hoạt động thực tiễn của đảng viên không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp đã kịp thời chỉ ra những yếu kém, tồn tại của công tác xây dựng Đảng. Nhất là trong những thời gian gần đây, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ những sai lầm khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên, đề ra những biện pháp quyết tâm sửa chữa. Bác Hồ, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã nói: "Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, rồi tìm mọi cách sửa chữa cho tốt là một Đảng tiến bộ, một Đảng chân chính". Cho nên, không vì những yếu kém, khuyết điểm tồn tại trong thời gian qua mà vin vào đó phủ định sạch trơn vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và toàn xã hội, đòi sửa đổi điều 4 Hiến pháp 1992. Mặt khác, để bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân. Đảng sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hiện lý tưởng của Đảng. Cho nên lực lượng vũ trang không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chính trị.
Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường cũng có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung. Điều 54 điểm 1 đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Tại điểm 2, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Điều này thay điều 19 Hiến pháp năm 1992 kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và phát triển thêm một bước về Cương lĩnh đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Không đưa cụm từ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không có nghĩa là không đánh giá đúng hoặc hạ thấp vai trò kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước vẫn nắm và giữ vai trò then chốt của nền kinh tế quốc dân (hiểu theo nghĩa rộng), cùng tham gia thị trường với các thành phần kinh tế khác, cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện những nhiệm vụ xây dựng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà các thành phần kinh tế khác chưa có điều kiện tham gia. Không phải vì trong thời gian qua nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả mà Nhà nước không nắm vai trò chủ đạo này. Về thực chất, đây cũng là điểm mấu chốt, điểm cơ bản của nền kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cho nên trong từng thời kỳ với từng đặc điểm cụ thể, sự uyển chuyển trong lãnh đạo xây dựng, phát triển kinh tế xã hội mà nhà nước xã hội chủ nghĩa phải có.
Sửa đổi Hiến pháp là một vấn đề rất lớn, hệ trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều ý kiến còn khác nhau, để đi đến thống nhất về nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong góp ý kiến. Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là bộ luật gốc, bộ luật cơ bản của Nhà nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã tiếp cận nhiều giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, phản ánh sự phát triển tư duy của hiến pháp Việt Nam về quyền lập hiến, phân công quyền lực, chế độ bảo hiến, quyền con người, quyền công dân... Điểm sâu sắc nhất trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Bản chất của nội dung này là phát huy quyền lực của nhân dân trong bộ máy Nhà nước cũng như quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Đây là nội dung xuyên suốt bản dự thảo.Việc tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân. Song, đòi hỏi mỗi người phải có nhận thức đúng cả lý luận và thực tiễn, đổi mới phương pháp tiếp cận những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn đặt ra trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và thế giới luôn có những biến động khó lường, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân. Những đóng góp của mỗi người sẽ bồi đắp, củng cố vững chắc thêm nền dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ngày càng vững mạnh.
VŨ HOÀNG LUYẾN