Tỉnh đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa.
Mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Đoàn Quang Tản, xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 21.000 ha đất trồng cây ăn quả, trong đó các loại cây chủ lực như vải (gần 10,5 nghìn ha), ổi hơn (1,7 nghìn ha), na (951 ha)... Qua thống kê, năm 2017 năng suất vải đạt 27,86 tạ/ha, sản lượng 29.093 tấn; ổi năng suất 241 tạ/ha, sản lượng 40.131 tấn; na năng suất 154 tạ/ha, sản lượng 13.870 tấn. Điều đáng nói là, những năm gần đây, giá trị thu nhập từ trồng cây ăn quả tại Hải Dương đang ngày càng tăng cao. Năm 2017, giá trị sản xuất cây ăn quả trong tỉnh đạt 167 đến 190 triệu đồng/ha, tăng từ 20 đến 30 triệu đồng/ha so với năm 2016. Trong đó, cam Vinh cho giá trị cao nhất, có thể đạt 500 triệu đồng/ha/năm (đối với những vườn từ năm đến bảy năm tuổi); cây na cho thu nhập đạt 310 đến 390 triệu đồng/ha/năm; ổi đạt 240 đến 290 triệu đồng/ha/năm; thanh long đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ tập trung phát triển cây ăn quả theo vùng hàng hóa, tỉnh cũng đang mở hướng sản xuất theo mô hình sản xuất quả an toàn. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Thị Kiểm cho biết, năm 2017 toàn tỉnh có năm loại cây ăn quả chủ lực đã được đưa vào sản xuất hàng hóa và chứng nhận theo quy trình GAP là vải, ổi, na, cam, bưởi với diện tích 442 ha, tăng 115 ha so năm trước. Riêng cây vải được chứng nhận GAP hơn 100 ha, trong đó có 88,54 ha sản xuất tại 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Ô-xtrây-li-a, EU với sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 340 tấn. Ngoài ra, cây bưởi cũng đang được sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 39,7 ha. Việc thực hiện sản xuất theo mô hình này, người nông dân có thể thu 225 triệu/ha/năm, trừ chi phí, lãi 190 triệu/ha/năm. Đáng chú ý, việc đẩy mạnh trồng cây ăn quả đã và đang giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Anh Phùng Giang Đông, thôn Tân Tiến, xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh cho biết: “Trước đây với hơn một héc-ta, gia đình tôi trồng vải nhưng hiệu quả thấp do không phù hợp thời tiết cũng như thổ nhưỡng. Từ khi chuyển đổi sang trồng na đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, với hơn một héc-ta trồng na, những năm được mùa gia đình tôi thu được khoảng 15 đến 18 tấn, thu nhập gần 400 triệu đồng”.
Năm 2018, tỉnh Hải Dương phấn đấu giữ ổn định diện tích cây ăn quả là 21 nghìn ha với sản lượng đạt 210 nghìn tấn/năm. Để thực hiện mục tiêu đó, theo Trưởng phòng Trồng trọt Lương Thị Kiểm, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và khuyến cáo người dân đẩy mạnh sản xuất vải an toàn theo hướng GAP; tập trung trồng thay thế diện tích vải già cỗi, nhiễm sâu bệnh bằng các giống vải chín sớm cho năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu thương hiệu “Vải Thanh Hà” để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước (siêu thị, chợ đầu mối) và xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, EU. Đồng thời tạo điều kiện cho việc tập kết, lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ.
Riêng với cây ổi, cây na, chủ động xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP gắn với xây dựng, quản lý và khai thác tốt nhãn hiệu tập thể để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chủ động hướng dẫn người dân ở các vùng trồng cây ăn quả áp dụng sản xuất theo hướng an toàn, hỗ trợ chứng nhận VietGAP và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất tập trung theo đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tùy theo thế mạnh phát triển cây ăn quả của địa phương, chủ động kinh phí xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất quả an toàn, mô hình giống mới, cây ăn quả mới; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhằm tạo ra sản phẩm thế mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Theo Nhân dân