Sở Công thương vừa khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh tại cửa hàng Vi-Mart ở số 45 đường Yết Kiêu, phường Hải Tân (TP Hải Dương).
Khá nhiều người tiêu dùng háo hức tìm đến đây mua sản phẩm. Khi đến đây tôi cũng khá bất ngờ vì có rất nhiều đặc sản của các địa phương trong tỉnh được giới thiệu, bày bán.
Người dân không phải đến tận các xã ở khu C (Kim Thành) hay xuống tận các xã Hiệp Hòa, Thăng Long (Kinh Môn) mới có thể mua được củ đậu hay hành, tỏi là đặc sản của các vùng này. Tại điểm bán các sản phẩm OCOP nói trên, người tiêu dùng không chỉ mua được nhiều đặc sản của các địa phương trong tỉnh mà còn có thể mua được đặc sản của nhiều vùng khác trong cả nước.
Các điểm bán hàng là nơi có thể kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nếu như các địa phương ra sức sản xuất, lựa chọn ra các sản phẩm OCOP tốt nhất, thậm chí đề cử hay bình chọn sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao hay 5 sao nhưng không được giới thiệu để người dùng biết đến và sử dụng thì sản phẩm OCOP đó sẽ không phát huy được giá trị.
Sản phẩm OCOP rất cần được quảng bá và xây dựng thương hiệu. Do đó tỉnh không chỉ cần quan tâm tạo điều kiện cho các địa phương được tham gia giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước mà còn cần nghiên cứu để xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP ở nhiều nơi khác nhau trong tỉnh, không chỉ riêng ở TP Hải Dương.
Để một hay nhiều sản phẩm OCOP phát triển tốt thì việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm rất cần thiết. Các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP là một trong những chuỗi mắt xích đó.
Trước hết, các địa phương và ngành công thương cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản. Hiện nay, khi chưa có điều kiện tổ chức các điểm bán riêng thì việc phối hợp với các hệ thống siêu thị, cửa hàng để mở các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP cũng là một cách làm hay. Người tiêu dùng ngoài đến mua các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu còn có thể tiếp cận các sản phẩm OCOP.
Hệ thống các cửa hàng tiện ích Vinmart+ đang phát triển mạng lưới rộng khắp ở TP Hải Dương, tỉnh có thể nghiên cứu phối hợp với đơn vị này để bày bán sản phẩm OCOP.
Tạo cho người dùng thói quen biết và mua sản phẩm OCOP ở nhiều địa điểm khác nhau. Tại các siêu thị lớn cũng nên dành một gian hàng riêng cho các sản phẩm OCOP tiêu biểu. Làm sao để nơi đây là điểm bán và giới thiệu hàng trăm đặc sản địa phương đến người tiêu dùng. Và cũng cần liên kết giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại các điểm bán hàng tương tự, các siêu thị... tại các tỉnh, thành phố khác.
Sản phẩm OCOP muốn phát triển thương hiệu và tiêu thụ tốt thì không chỉ phụ thuộc vào khâu tiêu thụ mà cả khâu sản xuất, bảo quản và chế biến cũng phải được coi trọng. Người tiêu dùng sẽ quan tâm và tiếp tục lựa chọn các sản phẩm OCOP khi và chỉ khi các sản phẩm này bảo đảm được các tiêu chí về mẫu mã, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các đơn vị, doanh nghiệp hay người tham gia sản xuất sản phẩm phải cam kết sản xuất theo quy định về an toàn thực phẩm; sản phẩm được thiết kế bao bì, đăng ký bản quyền, có ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến, lưu thông.
Hiện nay, tỉnh đã quan tâm và đầu tư phát triển chương trình OCOP. Các cơ quan liên quan và chính những nơi sản xuất ra các sản phẩm này cần học tập cách làm hiệu quả ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí có thể nghiên cứu cách làm của Hàn Quốc - nơi sản sinh và thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm.
HOÀNG ANH (TP Hải Dương)