Nhân rộng các câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững"

30/06/2013 10:52

Từ năm 2008 đến nay, Hải Dương đã triển khai xây dựng nhiều câu lạc bộ (CLB) "Gia đình phát triển bền vững" (GĐPTBV).


Công đoàn ngành y tế vừa tổ chức Hội thi mâm cơm dinh dưỡng an toàn vệ sinh thực phẩm. Có 36 thí sinh ở 12 khu vực thuộc 47 công đoàn cơ sở tham gia. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Ảnh: Đức Thành


Năm 2008, tỉnh ta chọn xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) làm điểm triển khai mô hình các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Trong đó, thành lập ban chỉ đạo cấp xã, ban chủ nhiệm, các CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ. Mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư. Từ tháng 7- 2009 đến nay, Ban chỉ đạo xã, các nhóm phòng, chống BLGĐ, tổ tư vấn đã can thiệp hoà giải thành công trên 30 vụ mâu thuẫn gia đình. Mô hình đã tác động tích cực đến nhận thức của bà con trong xã và huyện. Từ một địa phương thường xuyên xảy ra BLGĐ, đến nay, các vụ BLGĐ ở xã Kỳ Sơn đã giảm hẳn về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng.


Từ kết quả ban đầu, năm 2010- 2011, mô hình phòng, chống BLGĐ được nhân rộng ra các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện và TP Hải Dương bằng nguồn kinh phí của tỉnh. Các mô hình phòng, chống BLGĐ hoạt động đi vào nền nếp, ngăn chặn kịp thời hàng trăm vụ BLGĐ, góp phần ổn định trật tự trong khu dân cư. Năm 2012, mô hình phòng, chống BLGĐ tại các huyện trên được tiếp tục duy trì và nhân rộng ra 20% số xã trên địa bàn. Ban chỉ đạo tỉnh đã hỗ trợ 130 triệu đồng cho 26 xã, phường, thị trấn tổ chức ra mắt các CLB. Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 33 xã triển khai mô hình phòng, chống BLGĐ.

Không dừng lại ở các mô hình phòng, chống BLGĐ, năm 2011, tỉnh ta tiếp tục triển khai 8 mô hình thuộc Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” ra 6 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, 2 mô hình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai và 6 mô hình nhân rộng của Ban chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh. Từ đây, các mô hình phòng, chống BLGĐ và tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam được gọi bằng tên chung là CLB GĐPTBV. Ngay sau khi được kiện toàn và tập huấn, ban chỉ đạo cấp xã phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng CLB, mỗi quý họp kiểm điểm tình hình hoạt động. Các CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần, lồng ghép văn hoá, văn nghệ với tuyên truyền luật pháp, chính sách về hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, các kỹ năng ứng xử, giữ gìn hạnh phúc gia đình... Các mô hình hoạt động đã đi vào nền nếp và mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với bà con nhân dân trong địa bàn. Với những nỗ lực đó, năm 2012, tỉnh ta đã được Quỹ Dân số Liên hợp quốc hỗ trợ Dự án "Phòng, chống BLGĐ giai đoạn 2012-2016".

Đầu năm 2011, thị trấn Kinh Môn có 5 CLB GĐPTBV thuộc Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” được thành lập trên cơ sở các CLB, hội tình nghĩa. Các CLB đã tổ chức cho hơn 170 hội viên là các gia đình tham gia sinh hoạt với 14 nhóm nội dung theo hướng dẫn và tài liệu của Ban chỉ đạo cấp tỉnh trong đó có phòng, chống BLGĐ… Để tạo sức cuốn hút, các nội dung sinh hoạt được ban chủ nhiệm các CLB tổ chức dưới các hình thức sáng tạo, hấp dẫn như: dàn dựng tiểu phẩm tuyên truyền nếp sống gia đình, trò chơi hái hoa dân chủ, tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ… Các CLB còn đùm bọc, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi các gia đình có mâu thuẫn, ban chủ nhiệm cùng các ban, ngành, đoàn thể đến nhà khuyên nhủ. Các CLB đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đến ý thức của mỗi cá nhân, nâng cao trách nhiệm phòng, chống BLGĐ. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Chủ nhiệm CLB GĐPTBV khu dân cư Cộng Hòa cho biết: "Lúc đầu CLB chỉ có 20 chị em tham gia. Bằng những hoạt động thiết thực, CLB đã thu hút thêm 20 thành viên tham gia, trong đó người cao tuổi nhất là 70, trẻ nhất ngoài 20 tuổi".


Biểu dương các gia đình tiêu biểu năm 2013



Năm 2010, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) thành lập 5 CLB GĐPTBV với 143 gia đình tham gia, thành lập 5 nhóm phòng, chống BLGĐ gồm 25 thành viên. Các CLB sau khi được tập huấn nghiệp vụ đã tổ chức tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia CLB. Hằng tháng, các CLB tổ chức sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, kỹ năng hòa giải mâu thuẫn… Đến nay, đã có trên 200 hộ tham gia các CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ. Khi phát hiện BLGĐ xảy ra các thành viên trong nhóm phối hợp với tổ hòa giải và lực lượng an ninh dân phố ngăn chặn, xử lý. Sau hơn 2 năm thành lập, các CLB, các nhóm phòng, chống BLGĐ đã hòa giải thành trên 20 cặp vợ chồng sống ly thân hoặc thường xuyên mâu thuẫn.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 165 CLB GĐPTBV đi vào hoạt động góp phần tích cực vào công tác gia đình. Do đó từ năm 2009 đến nay, tình trạng BLGĐ trong tỉnh đã giảm đáng kể, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng. Qua thống kê của Công an tỉnh, giai đoạn từ năm 2009- 2012 giảm 28% số vụ BLGĐ dẫn đến chết người so với các năm 2005-2008. Tuy nhiên, các mô hình vẫn còn thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương. Một số mô hình sinh hoạt chưa đều, chưa thu hút được đông đảo thành viên tham gia, các chủ đề sinh hoạt chưa phong phú, thiết thực...

Để công tác gia đình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới cần không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng mô hình CLB GĐPTBV. Ban chủ nhiệm các CLB cần phát huy những kiến thức, kinh nghiệm của những gia đình tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nuôi dạy con cháu thành đạt, gia đình có nền nếp gia phong để làm tài liệu trong các buổi sinh hoạt CLB.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân rộng các câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững"