Nhận diện hàng Việt

09/10/2015 19:46

“Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam” vừa được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng.


Hoạt động này càng có ý nghĩa khi nó diễn ra đúng thời điểm vừa tròn 6 năm cả nước thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trước hết, cần khẳng định ý nghĩa và hiệu quả mà cuộc vận động mang lại. Nhưng công bằng mà nói, so với những gì chúng ta đặt ra, thì kết quả đạt được vẫn chưa được như mong đợi. Đó là chưa kể vẫn còn những hạt sạn khi triển khai thực hiện khiến cho hàng Việt Nam và người Việt Nam chưa tiếp cận được với nhau, mà nguyên nhân đến từ nhiều phía, cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Với nhà sản xuất, bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc, tạo uy tín với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, thì vẫn có nhà sản xuất lợi dụng các chương trình khuyến mãi để tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, trà trộn với hàng quá hạn sử dụng đánh lừa người tiêu dùng. Rồi tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập ngoại kém chất lượng... Còn phía người tiêu dùng, vẫn còn rất nhiều người không thiện cảm với hàng sản xuất trong nước, vẫn nặng tư tưởng sính ngoại. Thái độ đó không chỉ xảy ra đối với người tiêu dùng nhỏ lẻ, mà còn cả đối với các khách hàng là tập thể, cơ quan nhà nước. Có thể coi những hành động, thái độ trên đối với hàng Việt không chỉ  ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc vận động, mà còn làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Là người tiêu dùng, chắc chắn ai cũng muốn sở hữu những sản phẩm hàng hóa chất lượng, giá rẻ, hợp vệ sinh và an toàn cho sức khỏe… Vì vậy, người tiêu dùng ngày càng tinh tế hơn khi quyết định mở hầu bao mua một sản phẩm. Theo một nghiên cứu chuyên sâu về hành vi của người tiêu dùng, khách hàng có xu hướng tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, như một sự thể hiện lòng tự tôn dân tộc, là cách bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy đây là bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam, nhưng họ vẫn đánh giá hàng ngoại tốt hơn hàng nội. Tâm lý này xuất phát từ suy nghĩ sản phẩm có chất lượng cao thường không có giá rẻ, nhất là những thương hiệu danh tiếng lâu năm. Ngược lại, hàng hóa có giá rẻ thường không bảo đảm các tiêu chí về chất lượng, vệ sinh và phù hợp với sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí rất khó khăn khi truy tìm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Đã có thời gian dài chúng ta thường nói nhiều về việc trồng cây gì, nuôi con gì, giờ thì tràn ngập con lạ, quả lạ nhập khẩu, bán lại rẻ hơn. Trứng gà Việt Nam đắt hơn trứng gà ngoại. Vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và chi phí sản xuất thường cao hơn, nên các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không thể đứng dậy, bị doanh nghiệp ngoại cạnh tranh quyết liệt. Thật trớ trêu, không ít sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài, nhưng lại giả nhãn mác hàng Việt Nam. Cũng có khi chính doanh nghiệp trong nước đặt hàng từ nước ngoài, đóng gói tại Việt Nam rồi bán ra thị trường để hưởng chênh lệch giá.

Vào thời điểm hiện tại, hàng Thái Lan cũng đã có mặt tại Hải Dương. Cũng dễ hiểu bởi từ nhiều năm nay, người Thái Lan đã vạch ra một chiến lược bài bản để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Có nguy cơ, hàng Thái Lan sẽ tiếp tục lấn át hàng Việt, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh nhạy trong việc hình thành hệ thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những thử thách sống còn.

Do đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đóng vai trò hết sức quan trọng. Để cuộc vận động gặt hái được thành công, chắc chắn phải có sự nỗ lực, chung tay góp sức, trên hết phải là ý thức sống còn, ý thức tự nguyện, lòng tự tôn của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đó cũng là thước đo về lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam.

YẾN NHI (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nhận diện hàng Việt