Nhện hại cây trồng có 8 chân khớp, kích thước dưới 1 mm, khó phát hiện bằng mắt thường.
Nhện phát triển mạnh trong thời tiết nóng và ẩm, khả năng sinh sản cao, đẻ nhiều lứa trong năm nên dễ thành dịch hại trên các cây trồng nói chung và đỗ nói riêng, làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng đáng kể.
Dấu hiệu nhận biết cây đỗ bị nhện hại:
Nhện trưởng thành và nhện non tập trung ở mặt dưới lá, những chồi hoa, quả, trên các kẽ lá chồi ngọn để hút nhựa cây. Lá đỗ bị nhện hại có những vết chấm màu vàng sau chuyển màu nâu xám, lá bị xoăn, cong, rụng sớm, rụt ngọn, chùm hoa nhỏ lại và biến dạng. Quả bị hại mất màu chuyển sang màu nâu xám, có nhiều vết châm. Trên các vết bị hại có màng tơ nhỏ. Cây bị giảm năng suất và chất lượng. Cây bị nhện hại nặng có thể bị chết.
Nhận biết đơn giản bằng cách dùng 2 tờ giấy trắng kẹp lá đỗ ở giữa, vuốt nhẹ. Nếu trên tờ giấy xuất hiện các chấm màu hồng hoặc màu vàng thì đó chính là nhện.
Với các đặc điểm gây hại của nhện như trên và kích thước nhện rất nhỏ nên nhiều người nhầm với các loại sâu bệnh khác như rệp, bọ trĩ… nên thường sử dụng các loại thuốc phun trừ, không mang lại kết quả, tốn chi phí, ô nhiễm môi trường.
Biện pháp phòng trừ:
- Trồng cây với mật độ thích hợp. Thường xuyên tỉa các lá già, nhánh, tạo độ thông thoáng.
- Bón phân cân đối đạm, lân, kali, kết hợp phân hữu cơ với phân vô cơ.
- Tưới nước bảo đảm nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng. Khi bị nhện hại phải bảo đảm đủ nước cho cây trồng.
- Khi đến ngưỡng trừ nhện phải phun trừ bằng thuốc đặc trị như Ortus 5EC, Pegasus 500SC, Comite 73EC... Luân phiên các loại thuốc trừ nhện để nâng cao hiệu quả diệt trừ vì nhện có tính kháng thuốc cao.
BÙI VĂN VIỆN (Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc)