Thời gian qua, do mưa nhiều nên một số diện tích cải bắp đang trong giai đoạn cuốn đã bị nhiễm bệnh.
Trong khi đó, nhiều nông dân do không nhận biết rõ từng loại bệnh hại nên vừa tốn kém trong việc phòng trừ bệnh mà hiệu quả không cao. Xin khuyến cáo cách nhận biết, phân biệt một số bệnh chủ yếu hại cải bắp để nông dân tham khảo:
+ Bệnh thối nhũn: Có 2 nguyên nhân gây ra ( do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ vỡi những triệu chứng sau:
Thối nhũn do nấm
- Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra.
- Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất màu sau đó nhũn ra.
- Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống dưới.
- Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.
- Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP, Anvil5SC, Bennomyl 50WP…
Thối nhũn do vi khuấn
- Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra
- Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.
- Bệnh làm thối mềm phần trong của cây (lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.
- Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.
- Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng: Kasumin 2L, Starner 20WP, New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP.
* Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.
+ Bệnh đốm lá do nấm: Vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau chuyển nâu có viền vàng hoặc nâu đen. Vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có một lớp bột màu đen che phủ lên bề mặt vết bệnh. Vết bệnh điển hình nhìn như đốm mắt cua.
Thuốc phòng và trị bệnh: Score, Anvil 5SC, Antracol 70WP, Rovaral 50WP…
+ Bệnh cháy lá bã trầu do vi khuẩn: Vết bệnh có màu đỏ, ẩm thì nhũn ra, khô hanh thì giòn. Cây bị bệnh thường các lá bị cháy từ bìa lá cháy vào. Vết bệnh thường có hình tam giác mà đỉnh là gân lá.
Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống và xác cây bị bệnh, không tồn tại trong đất trồng. Các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác,... là các cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.
Bệnh nhiễm nặng hơn trong điều kiện có mưa và nhiệt độ cao và có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ.
Phòng bệnh: Giống như bệnh thối nhũn do vi khuẩn.
KS: TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)