Trong bộ phim tài liệu "Màu cỏ úa", đạo diễn Lan Nguyên đã để nhạc sĩ Trần Tiến tự trải lòng về âm nhạc.
Tối 23.11, đạo diễn Lan Nguyên cùng ê-kíp giới thiệu phim tài liệu ca nhạc Màu cỏ úa tại TP Hồ Chí Minh. Nhân vật chính của phim là nhạc sĩ Trần Tiến song ông không thể có mặt vì đang điều trị bệnh. MC Tùng Leo nói: "Nhạc sĩ bị bệnh nhưng sức khỏe của ông đang tốt hơn. Ông không muốn nhắc đến bệnh mà chỉ muốn mọi người tận hưởng không gian âm nhạc của mình".
Yêu biển nên về Vũng Tàu sống
Màu cỏ úa được thực hiện trong 5 năm ghi lại hình ảnh, tâm sự của nhạc sĩ Trần Tiến về chiến tranh, Hà Nội và biển. Trong mắt đạo diễn, ba yếu tố này đã tạo nên con người và âm nhạc của ông.
Và suốt 5 năm, ê-kíp đã cùng nhạc sĩ đi qua nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng... Đây đều là những nơi in dấu chân du ca của nhạc sĩ Trần Tiến.
Nhạc sĩ Trần Tiến hát trên đường phố Hà Nội
Tuy nhiên, nơi sinh sống những năm tuổi già nhạc sĩ lại chọn Vũng Tàu. Trong phim, Trần Tiến đã chia sẻ lý do: "Năm 17 tuổi, tôi vào chiến trường. Đi qua Cửa Lò (Nghệ An), biết nơi đây có biển, tôi đã bỏ lại đàn, đồ đạc để chạy một mạch ra biển. Tôi yêu biển và lần đầu thấy biển cảm giác vô cùng sung sướng. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ cần nhìn thấy biển, tôi có chết cũng không sao. 50 năm trôi qua, bây giờ, tôi lại trở về với biển. Đó là lý do tôi sống ở Vũng Tàu".
Theo nhạc sĩ Hà thành, thời gian yên tĩnh ngồi lặng lẽ ngắm biển giúp ông lắng mình lại, chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống mà thời tuổi trẻ chưa nghĩ được.
Trong căn nhà màu trắng, ông thường tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp. Và bao giờ bên chén rượu, không khí thân tình, nhạc sĩ cũng cất cao tiếng hát. Ở tuổi ngoài 70, có thể thấy giọng hát của ông không còn cao, khỏe như trước nhưng chất nghệ sĩ, lãng tử thì không hề thay đổi.
Thích ngồi vỉa hè
Trần Tiến được coi là một cây đại thụ, có công mở đường cho âm nhạc đương đại Việt Nam. Ông cùng với Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường tạo thành nhóm bộ tứ sông Hồng. Những tác phẩm và sự cống hiến của ông luôn khiến thế hệ sau ngưỡng mộ, nể phục.
Tầm vóc là thế nhưng Trần Tiến sống và sinh hoạt âm nhạc vô cùng giản dị. Trong 80 phút của Màu cỏ úa, khán giả bắt gặp hình ảnh nghệ sĩ kỳ cựu hát say mê, phiêu linh ngay ở quán nhậu vỉa hè hoặc quán bia hơi ở Hà Nội. Bên ông khi đó là những người bạn âm nhạc tâm đầu ý hợp như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Tấn Minh...
Nhạc sĩ trong một chuyến du ca ở Lâm Đồng
Ông tâm sự: "Thời xưa, tôi từng được người hâm mộ mời tới ăn những bữa tiệc sang trọng, tốn kém hàng chục triệu đồng. Lúc đó, chỉ là nhạc sĩ nghèo nhưng tôi đã từ chối họ. Tôi không thể ăn sơn hào hải vị với những người giàu có nhưng không có kiến thức. Tôi thích ngồi bên bạn bè mình dù ở quán vỉa hè bình thường".
Đôi khi, ông dựng sân khấu dã chiến ở một vùng núi xa xôi, làm một đêm nhạc kỷ niệm 50 năm theo nghệ thuật. Khán giả lúc này chỉ có vài chục người, ngồi bệt dưới đất nghe ông hát, miệng nhẩm theo các ca khúc đã đi cùng năm tháng.
Trong phim, tất nhiên sẽ có những giây phút ông đứng trên sân khấu lớn. Ở đó, ông dí dỏm, hài hước kể về câu chuyện liên quan đến các sáng tác hoặc khéo léo hướng dẫn lớp ca sĩ trẻ xử lý ca khúc của mình. Đôi khi, ông nhắm mắt, lắng nghe từng câu hát do cháu gái Trần Thu Hà thể hiện.
Nhìn lại cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng mình may mắn, sung sướng về hậu vận.
"Thời tuổi trẻ, tôi chỉ là đứa trẻ nghèo đói xác xơ. Sau khi tôi viết nhạc, bài nào cũng bị cấm. Nhưng hậu vận, tôi được vinh danh Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho Bài ca thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Giai điệu Tổ quốc, Chiếc vòng cầu hôn, Tùy hứng ngựa ô, Chị tôi ", ông nói. Và đối với Trần Tiến, niềm hạnh phúc lớn nhất là sáng tác của mình được các thế hệ khán giả ngân nga, ca hát.
Theo Zing