Nhà thơ với nhà thơ thường thẩm và sửa thơ cho nhau, nhất là nhà thơ đó lại làm công tác biên tập thơ ở các báo, đài, nhà xuất bản. Để cho thích hợp với giai điệu - một đặc thù của âm nhạc nên một số nhạc sĩ khi phổ thơ của các thi nhân cũng sửa thơ, nhưng đa phần các nhạc sĩ đều tự sửa khi chưa kịp hỏi ý kiến các tác giả thơ. Mặc dù vậy, các nhà thơ luôn “ưu ái” với các nhạc sĩ về điều này, vì thơ của họ được các nhạc sĩ chắp cánh, bay xa... thì quả là một niềm hạnh phúc rồi.
Đối với nhạc sĩ Trần Hoàn thì lại khác, bài thơ của bất cứ nhà thơ nào được ông phổ nhạc thì trước khi cần chỉnh sửa dù chỉ một đôi từ, thì tác giả của những bài thơ đó đều được ông hỏi xin ý kiến, khi thì qua điện thoại, lúc gặp gỡ ở hội nghị, hay đến tận nhà. Nếu được sự đồng ý của nhà thơ thì ông mới sửa. Mặc dù cả trong thời kỳ ông đang là cán bộ cao cấp (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa), mỗi khi phổ nhạc một bài thơ nào, ông đều xin ý kiến tác giả, cách ứng xử của ông thật sự bình đẳng, lịch lãm và khiêm tốn.
Hai nữ nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và Phan Thị Thanh Nhàn có kể lại rằng, nhạc sĩ Trần Hoàn định phổ nhạc hai bài thơ của hai nữ nhà thơ này, khi thấy cần phải sửa mấy từ, ông liền mời các chị đến nhà riêng hỏi ý kiến. Ông hỏi: Bài thơ "Hơi ấm chiều cuối năm” của Nguyễn Thị Hồng Ngát, tôi muốn bỏ hai từ “hơi ấm” vì nó cụ thể quá, được không? Nguyễn Thị Hồng Ngát nhìn ông gật đầu cười. Nói rồi ông quay sang phía Phan Thị Thanh Nhàn: Còn thơ của cô, tôi cũng sửa một chút. Cô viết “Anh đến với em bằng con đường ngắn nhất”. Viết thế thì cô xui người ta vượt rào à! Không được. Tôi sửa lại là “Anh đến với em bằng con đường đẹp nhất”. Được không cô? Lúc này cả hai nữ sĩ đều thán phục nhạc sĩ Trần Hoàn. Nhạc sĩ nói tiếp: Với bài Trở lại Sài Gòn, cô Nhàn viết: "Ôi Sài Gòn xa lạ/Chẳng một mái nhà riêng/Chẳng một chiều hò hẹn/Chẳng con đường thân quen", tôi cũng sửa cho cô đấy! "Xa lạ" ư? Không ổn! Tôi sửa thành "mới lạ" và câu cuối "Chẳng con đường thân quen" thành "Nhưng sao mà thân quen", như thế mới hợp lý hơn! Chịu không?
Lại một lần nữa hai nữ thi sĩ phải gật đầu thán phục. Lúc này trông ông như một người thầy hiền từ, lại như một người anh thân tình đang ân cần dạy bảo các em, chứ không phải là ông Bộ trưởng kiêm nhạc sĩ.
Bây giờ, cả hai nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và Phan Thị Thanh Nhàn càng thêm hiểu rằng, làm một nhạc sĩ phải có tâm hồn nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, nhà sư phạm nữa. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã có gần 1.000 ca khúc, thì có tới một phần ba là ca khúc phổ thơ. Trong số ấy có những ca khúc rất nổi tiếng như “Một mùa xuân nho nhỏ” phổ thơ Thanh Hải, “Lời ru trên nương” phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)