Nhạc sĩ Nguyễn Cường: 10 năm cho một ca khúc về Hà Nội

01/06/2010 05:53

2 giờ sáng, bản hợp xướng mang tên Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạchồng (*) mới hoàn thành tại phòng thu. 9g sáng, nhạc sĩ Nguyễn Cường đãgọi cho một số bạn bè thân thiết đến thưởng thức tác phẩm mới.


Nhạc sĩ Nguyễn Cường - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vẻ vui mừng, hớn hở trên gương mặt gã cao bồi phố cổ thật khó tả, nó không giống niềm vui của sự thành công, cũng không giống như người được nhận một phần quà ý nghĩa, càng không giống với vẻ mãn nguyện của một người thành đạt. Niềm vui của Nguyễn Cường không chỉ ở gương mặt mà còn ở cả cử động chân tay và cách buông câu trong cuộc chuyện trò.

* Đây là bản hợp xướng ông đã dành rất nhiều tâm huyết để viết, nó giống như một bản hùng ca dâng lên đại lễ 1.000 năm, ông có thể giới thiệu qua về tác phẩm này?

- Đây là tác phẩm tôi viết trong buổi lễ dâng 100 trống đồng tại đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm dùng để làm nền dưới hình thức hợp xướng a cappella không nhạc đệm trên nền hát xoan Phú Thọ với khoảng 400 diễn viên tham gia biểu diễn. Trong bài hát có các ca từ: Diệu kỳ thay giữa tiếng trống đồng, các vua Hùng đã hòa cùng cháu con về đây... Cùng theo mẹ lên núi, cùng theo cha xuống biển, về đây về đây nòi giống tiên rồng, hoa thơm từ rễ từ cành...

Lời ít nhưng đủ để nói: tất cả những gì tinh túy nhất của nòi giống tiên rồng đều về đây mừng đại lễ.

* Ông là người Hàng Bạc, nhưng nhiều người lại biết ông ở mảng ca khúc về Tây nguyên, thậm chí cái cách ăn to nói lớn cũng giống Tây nguyên hơn là Hà Nội, sao thế nhỉ?

- Tôi là người Hà Nội, tôi sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ. Hồn cốt người Hà Nội ngấm vào tôi từ nhỏ đến tận bây giờ nhưng đến tôi nhiều lúc cũng chẳng nhận ra. Tôi có thể phân biệt được đâu là một anh xích lô Hà Nội và đâu là xích lô Nam Định, nhưng bản thân tôi thì thật khó biết cái gì đặc trưng Hà Nội trong người mình. Nhưng những gì của phố cổ, của Hà thành, của văn hóa ngàn năm kinh kỳ đều ở phía sau tôi, trong hành trang của tôi.

Thế nên, khi tôi đến với Tây nguyên, sáng tác những ca khúc về Tây nguyên, cái hồn cốt Hà Nội, cái văn hóa cả ngàn năm Thăng Long vẫn theo vào từng ca khúc.

* Nhưng ông có vẻ không thành công lắm đối với những ca khúc về Hà Nội?

- Ồ không. Tôi có tuổi thơ ở Hà Nội và trong suốt những năm qua tôi vẫn viết về Hà Nội. Mỗi bài hát đều có một thân phận, vì lý do này hay lý do khác mà tôi chưa công bố. Chưa đến lúc công bố. Cũng có những ca khúc tôi viết ròng rã trong 10 năm, chỉ đảo trước sau, trên dưới cho thành một ca khúc hoàn chỉnh.

* 10 năm viết một ca khúc, hẳn nó rất đặc biệt?

- Đúng, tôi bắt tay vào viết những ca từ đầu tiên vào năm 2000, khi đó Hà Nội cũng tưng bừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long. Về cơ bản thì xong nhưng tôi thấy không ưng ý, đã lao động nghệ thuật thì phải đến cùng, đến đỉnh, đến được cái tinh túy nhất. Chính vì thế mà tác phẩm ấy vào phòng thu đến ba lần và không ít ca sĩ tiếng tăm đã hát mà tôi vẫn chưa cảm thấy hài lòng.

Cho đến giờ phút này tôi mới bằng lòng với ca khúc ấy.

* Tên ca khúc là gì thưa ông?


- Khúc romance Hà Nội. Nếu Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc hồng là một bản hùng ca cùng với trống đồng thể hiện sự mạnh mẽ, ầm ào khí phách của ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, của đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, của một Điện Biên Phủ trên không hào hùng...; thì Khúc romance Hà Nội lại là một bài thơ nhẹ nhàng, có chất thu, có phố cổ gác mái, có tiếng xe đạp lanh tanh, có sắc đào làm phai đi mùa đông...

Nó tái hiện một phần lịch sử Hà Nội: Thềm xưa phủ Lý, Kẻ Chợ Đông Kinh, em đạp xe qua, sương xa hồn thu thảo, người đâu gặp gỡ, một chiều mưa bay, như cánh đào xưa, phai gió mùa đông. Riêng chữ phai tôi đã năm năm trời đảo từ, chính cánh đào làm phai đi gió mùa đông, chứ không phải cánh đào bị phai đi.

Trong bài còn có lời thề quyết tử năm 1946, lời thề từ thời nhà Trần với hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay... Mỗi lần đọc lại, tôi lại sửa vài từ để có được một tác phẩm hoàn chỉnh.

* Ngoài các tác phẩm trên, nghe nói bộ tứ Hà Nội sắp có một sản phẩm trình làng cùng nhau?

- Bộ tứ Hà Nội gồm Cường (Nguyễn Cường), Phương (Phó Đức Phương), Thụ (Dương Thụ), Tiến (Trần Tiến) vốn được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha yêu quý đặt cho cách đây vài năm. Cả bốn chúng tôi đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mỗi người đều có những sáng tác mang dấu ấn về nơi mình sinh ra.

Tuyển tập Bộ tứ Hà Nội do NXB Trẻ ấn hành với một đĩa Mp3 có 100 ca khúc và tuyển tập lời bài hát, trong đó mỗi người đóng góp 25 bài. Đây là một món quà đặc biệt dành tặng những người yêu quý Hà Nội nhân 1.000 năm Thăng Long.

* Cảm ơn nhạc sĩ.

---------------------

(*) Dự kiến buổi biểu diễn màn hợp xướng Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc hồng sẽ diễn ra trong lễ dâng 100 trống đồng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào ngày 8-10-2010.


(Theo Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Nguyễn Cường: 10 năm cho một ca khúc về Hà Nội