Ngôi nhà Bác từng ở có 3 gian, gần như hìnhvuông và lợp ngói âm dương. Hai gian bên đều có buồng ngăn bằng gỗ ởphía trong. Cửa sau cũng mở ở chính giữa và nhìn vào có căn nhà chắc làđể nghỉ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống trong ngôi nhà gỗ này những ngày hoạt động cách mạng ở Thái Lan
Người công an xuất nhập cảnh cửa khẩu Nakhon Phanom bên bờ sông Mê Công cầm con dấu bỗng ngập ngừng và hỏi bằng tiếng Anh: "Ông sang Thái Lan có việc gì?". Tôi nói là muốn tham quan nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh ta cười vui, đóng con dấu xuống trang hộ chiếu đánh cạch, rồi vừa trao trả nó cho tôi, vừa dùng tay kia chỉ về phía bên làm hiệu và líu ríu như là khuyến khích: "Ông đi xe túc túc! Năm cây số. Xin chúc mừng!".
Vùng đông bắc Thái Lan, cũng như Savanakhet hay Thà Khẹt của Lào, không có xe ôm và rất hiếm tắc xi mà đi lại trên đoạn đường gần đều bằng loại xe ba bánh gọi là túc túc. Giống xe lam ở miền Nam trước đây, loại xe này tiện lợi, nhanh chóng, có thể len lỏi các ngõ ngách. Nơi đây xe túc túc được xếp hàng có trật tự. Các bác lái ngồi trên yên hay đứng bên đợi khách. Tôi bước ra, nhiều người giơ tay mời, nhưng từ phía đầu đường rẽ, một bác thâm thấp, da ngăm đen, trạc tuổi tôi, đã tiến lên, vừa bước vừa vẫy vẫy. Bác đã nhận ra tôi với đặc điểm cao lêu nghêu và cái mũ phớt màu xám đen đội đầu qua lời giới thiệu của anh bạn trẻ lễ tân khách sạn Mê Kông trên đường Settathiat của thị xã Thà Khẹt. Bác là người Việt quê gốc Nam Định và được sinh ra ở Thà Khẹt. Sự kiện đẫm máu do thực dân Pháp gây ra ngày 21 - 3 - 1946 nhằm đánh bật liên quân Lào - Việt do Hoàng thân Xuphanovong chỉ huy đã khiến gia đình bác cùng nhiều gia đình Việt kiều khác phải chạy qua Nakhon Phanom. Chính phủ Pridi Phnomdong của Thái Lan lúc đó có cảm tình với kháng chiến của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam đã tạo thuận lợi cho người tản cư và lực lượng đánh thực dân lưu trú. Chiếc xe túc túc nổ máy giòn tan. Bác tên là Túy mà chẳng hiểu sao người ở đây cứ gọi là Tía, vừa điều khiển xe vừa nói chuyện liên miên: "Năm ấy tôi chín hay mười tuổi bác ạ, chạy qua cả những xác người mà sau này mới biết rằng chừng ba ngàn nhân mạng đã trôi trên sông, chủ yếu là bà con Việt kiều…". Chẳng mấy chốc xe đã dừng ở cổng vào một ngôi nhà nằm trong khuôn viên cây cối um tùm.
Tôi còn đang ngơ ngác nhìn quanh thì bác Tía đã nói: "Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đây rồi! Ngắm nhìn đi bác ơi, hai cây dừa này chính Cụ Hồ năm xưa đã trồng". Lúc này tôi mới quan sát, hai cây dừa nhỏ, da mốc thếch và cao vút như cột cờ hai bên lối đi. Tấm biển đỏ dài nổi lên hàng chữ Anh màu trắng: This coconut tree was grown by president Ho Chi Minh. Con đường chạy thẳng vào một ngôi nhà bằng gỗ đơn sơ như ngàn vạn ngôi nhà khác. Hai bên vườn cây mở rộng dần ra và một người đàn ông chừng năm mươi tuổi đang vun đất vào những luống rau. Bác Tía tới bắt chuyện. Hai người vui vẻ trao đổi bởi họ quen biết nhau từ lâu mặc dù bác sống ở Nakhon Phanom chứ không phải ở bản Nachooc nơi đây. Vùng này trước sình lầy và dân cư thưa thớt, chỉ rất ít gia đình Việt kiều cùng các gia đình người Thái sinh sống. Năm 1928, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động lấy tên là Thầu Chín. Người ở Udon, Phichit, Xacon, Nakhon Phanom… vận động bà con khai hoang phục hóa, mở rộng bản mường, không nên ăn ở chật chội và mất vệ sinh, một bộ phận dân cư Nachooc tách ra khai khẩn nên nơi đây còn có tên bản Mày (tiếng Thái là bản Mới). Năm 1960, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lại chuyện này qua bút tích tiếng Việt còn đang lưu trữ: Dân mình ở đó, người thì làm ruộng, người thì cưa gỗ, cũng có người buôn bán nhỏ… Bác cùng đi lao động với anh em. Ban ngày làm suồn (tiếng Thái là làm vườn). Ban đêm đơm cá đến khuya mới về. Người sáng lập ra tờ báo Thân Ái mà tờ số 4 được trưng bày tại nhà bảo tàng với tôn chỉ mục đích là câu ca dao rất phổ cập ở Việt Nam: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng" và bài đầu tiên có tiêu đề: Thủ đoạn của thực dân Pháp làm cho giống nòi An Nam chia rẽ nhau.
Các hiện vật trưng bày tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Nakhon Phanom
Tôi bâng khuâng bước đi. Bác Tía và người đàn ông năm mươi tuổi cùng bước. Bỗng anh gọi: Đây là cây khế bác ơi, cũng chính do bàn tay vị cha già dân tộc khi có tên Thầu Chín đã trồng. Cây khế sum suê, được gắn bia với dòng chữ: This caramboia tree was grown by Ho Chi Minh.
Chúng tôi vào ngôi nhà tường gỗ, cánh cửa gỗ, ba gian, gần như hình vuông và lợp ngói âm dương. Hai gian bên đều có buồng ngăn bằng gỗ ở phía trong. Cửa sau cũng mở ở chính giữa và nhìn vào có căn nhà chắc là để nghỉ. Một cụ già từ phía đó đi tới. Cụ vóc người to lớn, khỏe mạnh, dáng dấp tinh anh, liền được người đàn ông chừng năm mươi tuổi giới thiệu: Đây là cha tôi, cụ Võ Tòng Tiêu, năm nay tám mươi bẩy tuổi. Cụ đã chứng kiến nhiều sự kiện diễn ra ở nơi đây và nghe nhiều chuyện của bậc sinh thành là cụ Võ Tòng Đại, tức ông nội tôi nói về Thầu Chín. Cụ thân sinh ra cụ Đại hoạt động dưới ngọn cờ của Phan Đình Phùng bị Pháp bắt và hành quyết. Cụ Đại hoạt động dưới sự điều hành và lời kêu gọi của Phan Bội Châu cùng người đồng chí là Đặng Thúc Hứa. Rồi cụ Phan giao nhiệm vụ cho cụ Hứa sang Nhật còn cụ Đại sang Xiêm để xây dựng phong trào. Cơ sở ta ở Xiêm mạnh mẽ. Nhiều nhà cách mạng qua lại và dừng chân nơi đây. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhất là sau sự kiện đẫm máu ngày 21 - 3 - 1946 do thực dân Pháp gây ra, bà con nơi đây cùng với đồng bào trên khắp đất nước Thái Lan, đã tổ chức cả những đơn vị bộ đội chiến đấu gửi về nước hoạt động. Sau này cụ Võ Tòng Đại được hồi hương chuyến đầu tiên qua đường biển từ Băng Cốc đến Hải Phòng ngày 10 - 1 - 1961 và chính Bác Hồ - Thầu Chín ngày xưa - đã ra tận bến cảng đón bà con trở lại quê hương. Người đàn ông năm mươi tuổi tên là Võ Tòng Minh thêm vào: Chúng tôi ở bên này xa xăm cách trở và quan hệ giữa hai nước lúc đó rất khó khăn nhưng vẫn được tin Chính phủ ta sắp xếp để ông nội tôi ở lại Hà Nội. Song người nhất quyết xin về quê nhà Hưng Nguyên (Nghệ An) để sống những năm cuối đời nơi quê cha đất tổ và được yên nghỉ vĩnh hằng nơi chôn nhau cắt rốn.
Chuyện đang say thì một phụ nữ chừng bốn mươi tuổi bước vào. Chị là Võ Thị Hoàn, em ông Võ Tòng Minh và con cụ Võ Tòng Tiêu. Tôi ngừng ghi chép ngắm nhìn qua những cửa sổ quan sát khuôn viên đầy những cây xanh chừng 1.500 m2. Thái Lan rộng hơn ta nhưng người ít hơn ta. Tôi bỗng nhớ tới những năm 1962 - 1963, trước khi vào bộ đội và đang là giáo viên dạy học ở trường cấp hai Trần Phú, thị xã Hải Dương, một hôm được hiệu trưởng phân công nhận tám em học sinh vừa từ Thái Lan về nước. Tôi đã đến thăm gia đình các em và những bà mẹ nói nhiều về sự kiện bi thảm ngày 21 - 3 - 1946. Rồi chính phủ Pridi đổ. Chính phủ tiếp theo ở Băng Cốc không có thiện cảm với kháng chiến Việt Nam và Lào đã gây bao khó khăn cho bà con ta. Nhưng người dân Thái và người dân Việt luôn đoàn kết tương thân tương ái vượt qua mọi thử thách gian lao. Rồi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi và nước nhà thống nhất. Rồi Việt Nam và Thái cùng là thành viên của tổ chức các nước ASEAN. Tình hữu nghị ngày càng được vun đắp. Sự kiện long trọng và đầy ý nghĩa được diễn ra vào ngày 22 - 4 - 2004, khi Thủ tướng nước ta Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái cắt băng khánh thành nhà lưu niệm làng hữu nghị Thái – Việt cách đây chừng ba mươi mét. Hôm nay, bà con Việt kiều đã được nhập quốc tịch Thái và vì hai nước có quy chế bỏ visa nên tự do về nước thăm quê cùng bà con xóm giềng. Đài Truyền hình Thái hoàn thành bộ phim tư liệu năm tập về người Thái gốc Việt và bộ phim này đã được chiếu trên truyền hình Việt Nam cho nhân dân cả nước theo dõi.
Cô Võ Thị Hoàn nói:
- Em về Hà Nội tới hai chục lần. Xe cộ dễ dàng. Em có họ mạc ở Hà Nội và vào chợ Đồng Xuân lấy hàng. Em bán đồ lưu niệm và nhiều thứ lặt vặt mà bên đây bà con cần.
Bác Túy thêm:
- Tôi về nước chuyến đầu tiên năm 1994 thật khổ. Khi ấy khó khăn quá. Tôi sang Thà Khẹt và nhờ sự giúp đỡ của nhiều cán bộ ta mới về thăm quê hương được.
Anh Võ Tòng Minh xen vào:
- Nhà thờ họ Võ của chúng tôi ở Hưng Nguyên bị thực dân Pháp đốt phá tới hai lần. Nhưng hôm nay đất nước thanh bình, kinh tế phát triển, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, trong đó có Thái Lan, ngày càng được củng cố, phấn khởi lắm bác ạ! Cụ Hồ lận đận từ những ngày tháng xa xưa, giờ đây công đức của Người đơm hoa kết trái. Tôi nghĩ rằng, mình là con cháu, phải sao cho xứng với lời dạy của Người. Đó chính là phẩm chất và đạo đức!
Rồi anh thêm:
- Ngôi nhà này xưa của ông nội tôi mà Thầu Chín ở chính chỗ này đây. Thời gian làm nó đổ nát và đã được xây dựng lại. Diện tích và kích cỡ như cũ, chỉ có gỗ lạt không phải là ngày xưa. Ông nội tôi, cụ Võ Tòng Đại và Thầu Chín hằng ngày làm vườn, có khi đêm về đi bắt cá. Cha tôi nói, ông nội tôi từng vui sướng đến bàng hoàng khi biết tin Thầu Chín chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn thể nhân dân Việt Nam kính yêu và thế giới ngưỡng mộ.
Thời gian không cho phép ngồi lâu nên cứ phải vội vàng. Tôi gấp sổ ghi chép lại, đứng lên, cúi chào cụ Võ Tòng Tiêu, anh Võ Tòng Minh, chị Võ Thị Hoàn và theo bác Túy lái xe túc túc bước ra. Dáng đi của người xế già vẫn nhanh nhẹn. Bác sinh năm 1937, hơn tôi hai tuổi, giọng nói khỏe và nước da săn rắn. “Tôi có ba cháu ở Băng Cốc - bác kể - Chúng mê mải làm ăn và tôi thỉnh thoảng mới về thủ đô Thái thăm các cháu. Tôi vui thú với bà con ta nơi đây. Thỉnh thoảng qua sông về Lào, tới Thà Khẹt hay xuống Savan, cũng là thăm thú bạn bè. Tôi làm cho vui và cũng là kiếm thêm đôi đồng để nay dự cưới xin mai đi thăm hỏi”. - Rồi giọng bác cất vang: “Mời lên xe! Ta sang thăm nhà lưu niệm làng hữu nghị nhỉ”. Nghe nói chỉ dăm, ba chục bước chân nhưng tôi đề nghị bác cho xe chạy quanh đường làng của bản Nachooc. Bản có 130 hộ người Thái gốc Việt và vài chục hộ người Thái gốc Thái. Đường thôn khoáng đãng. Nhà nhà tường gỗ đỏ au chìm trong những khu vườn. Cũng chưa rõ đời sống thế nào nhưng cứ có cảm giác thanh bình, êm ả. Bác Túy vừa cho xe chạy vừa nói chuyện. Đánh loáng xe đã dừng cùng với câu nói của bác: “Đây rồi!”. Tôi ngước nhìn lên. Trước mắt là tấm biển trang trọng bằng chữ Anh: Đây là làng hữu nghị Thái – Việt...
TÔ ĐỨC CHIÊU