Phim ngắn "Mỗi cái cây đều rụng lá" gửi thông điệp chọn chân thành để sống, chọn cách nâng niu, trân quý những gì ta đang có trong tay khi còn cơ hội để gần gũi và yêu thương.
Khi ta nhận thấy rõ ràng và sâu sắc rằng: cuộc sống là vô thường; khi không còn thời gian để chọn lựa nhiều, ta tự biết chọn thứ đáng giá nhất: Chọn chân thành để sống, chọn cách nâng niu, trân quý những gì ta đang có trong tay, còn cơ hội để gần gũi và yêu thương. Như Cha ta, Mẹ ta - những cái cây lớn đã đổ bóng rợp mát suốt cuộc đời ta, và đang từng ngày rụng lá.
Đó là thông điệp về sự vô thường và tình yêu thương trong cuộc sống từ phim ngắn về tình cha con mang tên “Mỗi cái cây đều rụng lá”. Phim do một nhóm các bạn trẻ tài năng và nhiều trăn trở về giá trị của nguồn cội trong cuộc sống thực hiện, vừa được chia sẻ tới cộng đồng mạng qua kênh Youtube và Facebook trong những ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019, một dịp gợi nhắc nhiều đến sự trở về trong tình cảm gia đình để gắn kết và yêu thương.
Nhà thơ trẻ và ý tưởng làm phim
Ý tưởng làm phim và kịch bản được hình thành từ Lương Đình Khoa, một nhà thơ thuộc thế hệ 8x trưởng thành từ những trang viết trên báo Thiếu niên Tiền Phong, đài Tiếng nói Việt Nam, Mực Tím, Áo trắng...
Anh là đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ Toàn quốc năm 2016. Cư dân mạng biết nhiều đến Lương Đình Khoa qua các sáng tác, video thơ và blog radio anh chia sẻ trên Youtube và trang Facebook cá nhân, cùng các tập sách đã xuất bản: Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người; Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc; Về nhà đi…
Khoa chia sẻ rằng trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi anh có duyên tiếp xúc sâu hơn với đạo Phật, đồng thời tham gia tổ chức, truyền thông cho các khóa tu mùa hè ở chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình)…, anh nhận thấy trong lòng mỗi bạn trẻ đều có một góc rất đặc biệt và ẩn sâu khi nghĩ về mẹ và cha.
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại và ồn ào khiến góc tình cảm ấy đôi khi bị lãng quên, ẩn khuất và lâu dần tạo thành một khoảng cách vô hình trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Chính vì vậy anh ấp ủ sẽ làm một điều gì đó mới hơn, vượt ra khỏi hình thức những trang sách anh đã viết để đánh thức, khơi gợi những hạt giống yêu thương luôn được nảy nở, tưới tắm trong mạch nguồn cội từ mái ấm gia đình của mỗi người.
Phim ngắn “Mỗi cái cây đều rụng lá” mang hương vị quà tặng cuộc sống, nhẹ nhàng như những trang nhật ký của một người con trước cuộc đời hi sinh quá lớn lao cùng những giá trị sống tích cực ông chiêm nghiệm, gửi gắm nơi người con – như lời người cha đã nói trong phim: “Con trai à, con mãi là niềm tự hào của bố. Sau này bố không cần con phải làm chức này chức nọ thật cao, không cần con phải kiếm thật nhiều tiền. Bố chỉ hi vọng con đường đường chính chính làm một chàng trai tốt. Vậy là bố mãn nguyện rồi!”.
Một cảnh trong bộ phim ngắn về đề tài Cha và con
Tụ hội những anh tài
Ý tưởng và kịch bản của Lương Đình Khoa may mắn có duyên được bác sĩ Đông y Trần Thị Kim, giám đốc Công ty TNHH & sản xuất thương mại KimLi Pharm biết đến và ủng hộ, tài trợ toàn bộ kinh phí để anh thực hiện làm phim ngắn để biến dự định trăn trở bấy lâu trở thành hiện thực.
Phim trở thành món quà của yêu thương, chăm sóc, bồi đắp và gắn kết thêm cho sức khỏe của tâm hồn, tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng trong mỗi gia đình dịp Tết 2019.
Và anh đã kết nối cùng những người bạn của mình: Vũ Thắng (đạo diễn trẻ 9X chuyên thực hiện MV ca nhạc cho các ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Thu Phương, Hà Anh Tuấn…), Đào Cư Phú (Thạc sĩ lý luận văn học, Tiến sĩ 8X đang là giảng viên tại một số Hệ thống giáo dục, phóng viên, BTV tại VTV – Đài Truyền hình Việt Nam) là giám đốc sản xuất.
Vai An – người con trai đang độ tuổi học sinh THPT được giao cho diễn viên trẻ Quang Anh, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, Quang Anh tham gia diễn xuất từ năm lớp 2, và bén duyên trong một số bộ phim: Tình người ấm áp, Ông tơ hai phẩy, Sitcom Sắc màu phái đẹp mùa 1, Giọt nước mắt muộn màng, Chiều ngang qua phố cũ, Sitcom Gia đình 4.0...
Ngoài ra là sự góp mặt của các diễn viên Hoàng Huy, Thanh Thủy, Nguyễn Trọng, bé Thiện Hùng, cũng là những nhân vật đã góp mặt trong nhiều phim, video ca nhạc, góp phần hoàn thiện cho bộ phim đầu tay của nhà thơ trẻ.
Đặc biệt bài thơ “Con sợ ngày gió cuốn cha đi” của Lương Đình Khoa được nhạc sĩ Phương Phạm vô tình đọc được, và cầm đàn phổ thành giai điệu ngay từ lần đọc đầu tiên – trở thành ca khúc chủ đề cho phim một cách rất tự nhiên và phù hợp.
Giọng hát khắc khoải của ca sĩ Tuấn Anh qua bài hát này vang lên cuối phim, cùng dòng chữ “Đã bao lâu rồi bạn chưa ngủ cùng cha? Và mỗi chúng ta còn có bao nhiêu lần được ngủ cùng cha như thế nữa?” càng khiến thông điệp về tình phụ tử, giá trị của việc nhận ra vô thường và trân trọng những gì mà mỗi người đang còn cơ hội nắm giữ trong tay được khắc họa rõ nét trong lòng người xem.
Con cần cha vì cuộc đời quá ngắn
Lương Đình Khoa bộc bạch: “Có hai câu hát luôn khiến tôi xúc động và thúc giục tôi cần làm một điều gì đó nhắc nhở tôi và tất cả mọi người về sự vô thường của cuộc đời: “Cuộc sống đôi khi buồn tênh, năm tháng vụt qua không là cổ tích/ Tình yêu đôi khi lìa xa, tích tắc thời gian quá mỏng manh..".
Đó là những câu hát nằm trong ca khúc “Những ô cửa màu xanh” của nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh khi anh nhớ về người cha đã đi xa của mình: nhà văn Trần Hoài Dương. Ai rồi cũng phải đi qua những năm tháng "không phải cổ tích", những khoảnh khắc "lìa xa" của tình yêu trong cái "tích tắc" và "mỏng manh" của thời gian, và của đời người”.
Lương Đình Khoa ví những người con như những mầm xanh - bắt đầu bước ra chào mặt đất, bầu trời từ dưới bóng mát và mái nhà của mẹ và cha.“Khi ta nhận thấy rõ ràng và sâu sắc rằng: cuộc sống là vô thường; khi không còn thời gian để chọn lựa nhiều, ta tự biết chọn thứ đáng giá nhất: Chọn chân thành để sống, chọn cách nâng niu, trân quý những gì ta đang có trong tay, còn cơ hội để gần gũi & yêu thương. Như Cha ta, Mẹ ta - những cái cây lớn đã đổ bóng rợp mát suốt cuộc đời ta, và đang từng ngày rụng lá", 8x chia sẻ.
Với phim ngắn “Mỗi cái cây đều rụng lá”, Lương Đình Khoa cùng ekip những người bạn làm phim của mình đã góp thêm một thông điệp khẳng định cội nguồn cần trở về của mỗi người con, của một đời người là mái nhà và mẹ, cha, để từ đó biết nâng niu, trân quý, quan tâm tới tình cảm, sức khỏe của những người chúng ta thương yêu mỗi ngày, trong dòng chảy vô thường của thời gian.
Bởi giản đơn, mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi không bao giờ có lại. Như những câu thơ đầy khắc khoải Khoa đã viết:
“Đừng là gió - tan nhòa chốn hư vô
Đừng là đêm - cho con thèm ánh sáng
Con cần Cha - vì cuộc đời quá ngắn
Lá từ cây thưa vắng...Đắng run lòng!”.
Theo VTC.vn