Anh Hoàng Đình Khiên vinh dự là một trong 2 nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 11 năm 2016 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Anh Hoàng Đình Khiên đã đầu tư hàng tỷ đồng nuôi cá lồng tại quê nhà
Không giống như nhiều thanh niên chọn các thành phố lớn để lập nghiệp, anh Hoàng Đình Khiên (sinh năm 1982) ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân (Nam Sách) lại chọn chính mảnh đất quê hương để khởi nghiệp. Trải qua những tháng ngày vất vả, giờ đây anh Khiên đang dần thu về những "mùa quả ngọt". Anh vinh dự là một trong 2 nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 11 năm 2016 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thủy sản ở Bắc Ninh, anh Khiên làm kế toán cho một công ty nuôi trồng thủy sản ở miền Trung khoảng 7-8 năm. Trong thời gian này, anh từng chung vốn để thuê đầm nuôi tôm. Những kinh nghiệm anh tích lũy được trong quá trình làm việc tại đây đã nhen lên ý tưởng nuôi thủy sản tại quê hương Nam Sách.
Năm 2011, anh rời mảnh đất miền Trung để về quê thực hiện dự định. Sau khi trở về quê hương, anh Khiên dành nhiều thời gian để tìm hiểu mô hình nuôi cá lồng ở xã Nam Tân và một số nơi ở huyện Thanh Hà. Năm 2014, anh làm 10 lồng cá, diện tích mỗi lồng 54m2, chủ yếu nuôi cá lăng và cá diêu hồng trên sông Thái Bình. Tổng số tiền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giống và thức ăn là 5 tỷ đồng, trong đó 80% vay ngân hàng. Trong gia đình anh Khiên vẫn còn một số ý kiến không đồng thuận vì cho rằng việc này mạo hiểm, rủi ro cao. Tuy nhiên, anh Khiên vẫn quyết tâm làm giàu.
Trong quá trình nuôi cá, anh Khiên gặp không ít khó khăn. Anh vừa nuôi, vừa tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của cá để tự rút kinh nghiệm. Anh Khiên chọn giống cá rất cẩn trọng, thường chọn mua con giống còn nhỏ để về nhà tự ương. Anh dành nhiều thời gian đi học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi cá lồng ở các tỉnh lân cận, cập nhật kiến thức khoa học-kỹ thuật trên mạng. Hằng ngày, anh đều kiểm tra các lồng bè, quan sát cá để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Theo anh Khiên, một trong những điều quan trọng nhất của việc nuôi cá lồng chính là giữ vệ sinh môi trường nước. Theo định kỳ, hằng tuần anh đều kiểm tra, làm sạch các lồng bè để không có rong rêu, cặn bẩn, làm sạch môi trường nước bằng chế phẩm sinh học. Có đợt cá bị dịch bệnh, chết khoảng vài tấn, anh ngược xuôi tìm nguyên nhân. Trước tin mỗi cơn bão, anh Khiên lại đứng ngồi không yên, lo lắng những lồng bè xô vào nhau có thể làm cá thoát ra ngoài... Khó khăn là thế nhưng cũng không làm anh Khiên chán nản, chùn bước hay có ý định bỏ cuộc bởi anh luôn tâm niệm một điều “Người khác làm được thì mình cũng làm được”.
Số tiền lãi qua mỗi năm được anh Khiên dùng để tái đầu tư tăng dần số lượng lồng cá. Đến nay, anh đã có 30 lồng, chủ yếu nuôi các loại cá diêu hồng, lăng, trắm, rô phi. Gia đình anh có một mẫu ruộng trồng cỏ để làm nguồn cung cấp thức ăn cho cá trắm. Ngoài ra, anh còn thu mua lá cà rốt, ngô của bà con trong thôn vừa làm nguồn thức ăn sạch cho cá, vừa tiết kiệm được chi phí so với thức ăn công nghiệp. Việc nuôi loại cá nào cũng được anh Khiên tính toán kỹ lưỡng, dựa vào việc nghiên cứu nhu cầu thị trường. Xuất phát từ việc hằng ngày phải lấy số lượng lớn thức ăn cho cá nên từ năm 2015, anh Khiên bắt đầu mở đại lý cung cấp thức ăn nuôi cá cho khoảng 10 hộ dân nuôi cá lồng trên sông Thái Bình.
Năm 2015, anh Khiên thu lãi 1,8 tỷ đồng từ nuôi cá; tạo việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, cuối năm nay, anh sẽ thu hoạch khoảng 50 tấn cá diêu hồng và 10-15 tấn cá lăng. Thời gian tới, anh dự định sẽ đầu tư thêm từ 5-10 lồng cá.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, anh Khiên còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên xã. Là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ Phát triển kinh tế xã Thái Tân, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích những thành viên khác đầu tư phát triển sản xuất.
HUYỀN TRANG