Tiết lộ nội dung phim qua bài viết giới thiệu là điều đáng sợ với giới làm phim nhưng chưa thực sự được chú trọng ở Việt Nam. Bên sản xuất phim sẽ bị thiệt hại nhưng không thể chứng minh bằng con số.
Phim của Victor Vũ thường bị tiết lộ nội dung do thể loại hình sự, vụ án - Ảnh: ĐPCC
Theo từ điển Merriam-Webster, "spoiler" là "thông tin về cốt truyện của một bộ phim có thể làm hỏng (spoil) cảm giác ngạc nhiên hoặc hồi hộp của người xem".
Phá nát cảm giác bất ngờ, hồi hộp
Với những phim mà sự bất ngờ hay cú lật bàn (twist) là yếu tố sống còn, "spoiler" sẽ phá nát trải nghiệm người xem. "Tâm lý xem phim của một bộ phận lớn khán giả vẫn là xem kể chuyện. Nếu tình tiết quan trọng nhất bị tiết lộ thì quá trình tiếp nhận, thưởng thức và giải trí sẽ bị nhiễu" - đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói.
Anh Lê Minh phân tích: "Có 2 dạng bài viết về phim. Bài điểm phim (film review) hạn chế tiết lộ nội dung vì mục đích là thông tin về phim qua đánh giá của người viết. Hiện nay không chỉ người điểm phim mà các khán giả có tầm ảnh hưởng cũng cần chú ý về cách viết bài khi phim mới phát hành. Dạng thứ hai là bài phân tích (film criticism) của nhà nghiên cứu, phê bình. Dạng bài này nghiên cứu sâu về một hoặc nhiều khía cạnh như phong cách, thể loại, tính tác giả, giá trị... của phim. Bài mặc định người đọc đã xem phim và thường được xuất bản khá lâu sau khi phim ra đời".
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm đồng tình: "Điểm phim cho báo chí thì yêu cầu không 'spoiler' phải đặt lên hàng đầu, cần tránh tiết lộ cái kết và những tình tiết chủ chốt. Còn bài phân tích chuyên sâu về tâm lý nhân vật, diễn xuất, kịch bản, tính tác giả, ngôn ngữ điện ảnh... thì khó tránh khỏi tiết lộ nội dung".
Với mỗi dạng bài, người viết cần ý thức về giới hạn nội dung được tiết lộ. Hoặc đơn giản hơn, bài viết đính "cảnh báo tiết lộ" để bảo đảm quyền lợi cho bạn đọc và nhà làm phim.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm đưa ra sự phân loại chi tiết hơn theo từng thể loại phim. Theo anh, phim chuyển thể từ văn chương hoặc tác phẩm có sẵn thì nhiều người đã biết nội dung nên việc tiết lộ không quá nghiêm trọng như những phim mà công chúng chưa từng tiếp cận. Nhưng điều đó không có nghĩa là được quyền tiết lộ toàn bộ nội dung.
Còn với một tác phẩm mới hoàn toàn, yêu cầu không tiết lộ là rất nghiêm ngặt. Bài viết phải vừa sinh động, hấp dẫn nhưng khơi gợi sự tò mò của khán giả thay vì kể vanh vách mọi tình tiết.
Khó chứng minh thiệt hại
Ngoài trải nghiệm khán giả, tác hại của tiết lộ nội dung còn là ảnh hưởng đến doanh thu phim. Tuy nhiên, điều này khó chứng minh bằng con số.
"Nhà làm phim không thể chứng minh bao nhiêu khán giả đọc được bài viết đó và quyết định không xem phim, dẫn đến thiệt hại bao nhiêu tiền" - đạo diễn Khoa Nguyễn (phim Người lắng nghe) nói. Vì thế, khi bị tiết lộ nội dung phim, nhà làm phim khó có thể kiện.
Giới làm phim vẫn đang kêu gọi nâng cao nhận thức về việc này. "Sẽ khó có thể quy định trong luật, nhưng cần bộ quy tắc ứng xử dành cho những người làm việc trong ngành truyền thông" - Trịnh Đình Lê Minh đề nghị.
Trong Quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2016 cho hội đồng duyệt phim, chưa có quy định về tiết lộ nội dung. Do đó, đạo diễn Khoa Nguyễn đề xuất đưa thêm quy định: "Thành viên hội đồng không công bố, tiết lộ nội dung phim, hình ảnh phim trước khi nhà sản xuất, nhà phát hành phim chủ động phổ biến theo kế hoạch quảng bá, phát hành".
Bên cạnh đó, Khoa Nguyễn cho biết lâu nay, các nhà sản xuất, phát hành chưa cam kết chặt chẽ với những nhóm người được xem phim sớm. Đó là nhà đầu tư, khán giả dự buổi chiếu thử, giới truyền thông, người thân, bạn bè, đồng nghiệp... Để khắc phục, nhà làm phim nên khuyến cáo rõ ràng cho những người này về việc công bố nội dung và thời điểm được công bố.
Theo Tuổi trẻ