Nhà giáo, nhà thơ Đông Hồ giảng bài đến lúc chết

20/11/2011 10:48

Nhà thơ, nhà giáo Đông Hồ (tên thật là Lâm Tấn Phát), sinh năm 1906, tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên. Ông còn có bút hiệu Trác Chi, Hoà Bích Nguyệt, Đại Ân, Nhi Liên... Năm 1941, ông là một trong 46 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu được Hoài Thanh, Hoài Chân giới thiệu trong tập “Thi nhân Việt Nam”. Năm 1969, giáo sư Thanh Lãng trưởng khoa Trường Đại học văn khoa Sài Gòn gặp nhà thơ Đông Hồ nói: “Thưa tiên sinh, sinh viên nó quý tiên sinh lắm, tiên sinh cố gắng trở lại với học trò, nếu lỡ tiên sinh có ra đi giữa đám học trò thì âu đó cũng là nghiệp dĩ”. Tuy lúc này đã già yếu không đến lớp thường nhật được, nghe giáo sư Thanh Lãng nói thế là hết nghĩa, hết tình, thi sĩ Đông Hồ đã vui vẻ trở lại trường lớp. Ông vẫn mặc áo dài, khăn xếp lên bục giảng xưng thày và gọi trò trai là con trai của thầy, coi trò gái là con gái của thầy. Và trong lần giảng về tấm gương yêu nước của Hai Bà Trưng, thầy Đông Hồ nói: “Nhắc đến Hai Bà Trưng là nói đến thù nhà nợ nước, nói đến chiến công oanh liệt nhưng không mấy ai nói đến cảnh cô lẻ của một người đàn bà không chồng". Rồi Đông Hồ dẫn thơ của nữ sĩ Hồng Hà (Đoàn Thị Điểm) đã nói đến điều đó:

“...Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...”


Trong sự xúc động cao độ, Đông Hồ đã đứt mạch máu não, thi sĩ ngã gục xuống bục giảng và ông đã ra đi vĩnh viễn vào buổi chiều hôm đó.

Thi sĩ, nhà giáo Đông Hồ đã giảng bài đến lúc chết. Vì lòng yêu nước, lòng yêu thơ của người xưa và cả vì thơ nữa.

LÊ HỒNG THIỆN (st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà giáo, nhà thơ Đông Hồ giảng bài đến lúc chết