Nhà có người làm quan

16/04/2016 14:59

Biết anh Đạt làm sếp to nên họ hàng, làng xóm cứ phục kích lúc anh về quê là đến đặt vấn đề nhờ vả, xin xỏ. Người thì nhờ anh Đạt xin cho con trai đi làm bảo vệ...



Từ ngày anh Đạt - con trai trưởng được đề bạt làm thủ trưởng một cơ quan trên thành phố, ông Thành đi đâu cũng được mọi người nể trọng, xuýt xoa, khen ngợi: “Thằng lớn nhà ông giỏi nhỉ?”, “Giờ thì ở làng này nhất ông bà Thành rồi nhé”, “Con hơn cha là nhà có phúc”... Những ông già bà cả trong dòng họ Vũ đều lấy tấm gương anh Đạt ra để răn dạy con cháu. Ông Thành nghe mà mát hết cả ruột. Bõ công ông bà vất vả, vật lộn mưu sinh suốt cả cuộc đời để dành dụm cho các con ăn học. Ông tự nhủ: “Đầu xuôi đuôi lọt. Thằng lớn sẽ lo cho thằng bé, thế là mình nhẹ người”.

Từ đó, thi thoảng bà Thành lại được anh Đạt đón lên thành phố chơi, nói là đi trông cháu chứ thực ra vợ chồng anh Đạt thuê người giúp việc, bà có phải động tay động chân vào việc gì đâu. Về quê, đi đâu bà cũng khoe: “Thằng Đạt làm to lắm! Đi đâu cũng xe đưa xe đón. Quyền hành ở trong tay, muốn gì mà chả được”; rồi thì: “Nhà Đạt chả thiếu thứ gì. Ở thành phố sướng thật đấy”. Xưa kia bà giản dị bao nhiêu thì nay bà diện dàng bấy nhiêu. Bà bắt đầu biết dùng phấn son mỗi khi đi dự đám cưới hay lễ hội. Gần bảy mươi tuổi nhưng bà vẫn sấy tóc quăn tít, nhuộm đen cho trẻ lại. Quần áo thay đổi thường xuyên theo mốt, chả bù cho mấy năm trước, bà cứ mặc quần gấu quăn như lò xo. Bà bảo mấy cô hàng xóm: “Tội gì không diện! Con trai, con dâu sắm cho cả đấy”.

Từ ngày anh Đạt lên chức, thằng Nam, con út của ông bà Thành đâm ra chểnh mảng học hành. Nó đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa. Chỉ còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp, đi làm. Nó nghĩ anh trai mình sẽ cáng đáng hết nên việc gì phải cố gắng nhiều. Nó say sưa với những trò chơi trên mạng thâu đêm suốt sáng. Thế là thi hết môn không qua. Nó giấu nhẹm chuyện đó, không cho ông bà Thành biết.

Biết anh Đạt làm sếp to nên họ hàng, làng xóm cứ phục kích lúc anh về quê là đến đặt vấn đề nhờ vả, xin xỏ. Người thì nhờ anh Đạt xin cho con trai đi làm bảo vệ. Người thì nhờ anh xin việc cho con gái mới tốt nghiệp đại học nhưng đang thất nghiệp. Ai cũng năn nỉ: “Mong anh giúp đỡ, nhất con nhì cháu, chẳng gì bằng quen biết”. Anh Đạt trình bày quan điểm rõ ràng rằng cơ quan anh chỉ tuyển dụng nhân viên ở một số phòng ban còn thiếu, thông qua thi tuyển công bằng, khách quan. Ai đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ được nhận vào làm. Được nhận vào làm rồi mà không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng cắt hợp đồng ngay. Nghe anh nói vậy, mọi người nghĩ anh làm khó nên bàn nhau mang quà cáp đến tận nhà anh trên thành phố. Họ tay xách nách mang nào gà, nào gạo nếp, bưởi, cam…Vợ chồng anh đi vắng, cô giúp việc nhất định không mở cửa cho người lạ. Lầm lũi bắt xe về quê, họ đồn rinh cả làng rằng: “Vợ chồng Đạt kiêu lắm, hách dịch lắm, không tiếp người nhà quê. Đừng có thấy người sang mà bắt quàng làm họ”. Ông Thành nghe rát cả tai. Biết con trai bị hiểu lầm nên ông đích thân mang hồ sơ xin việc của người làng lên thành phố nộp cho cơ quan anh Đạt. Sau khi xét hồ sơ, phỏng vấn và thử việc, chỉ có cái Thu con nhà ông Thụ được nhận vào làm. Người làng lại xì xèo to nhỏ: “Con bé Thu giỏi như thế, chả cần nhờ bóng anh Đạt thì nó xin đâu mà chả được việc”.

Dần dà, anh Đạt ít về quê hơn. Có về anh cũng chỉ tranh thủ về trong ngày rồi lại đi ngay. Một phần vì anh không muốn nghe những lời ỉ ôi xin xỏ hay quở trách của họ hàng, một phần vì công việc của cơ quan bề bộn. Nhưng hôm trước nhân dịp Thanh minh, họ Vũ tổ chức đi tảo mộ rồi liên hoan ở nhà ông trưởng họ, anh Đạt vui vẻ tham dự như mọi lần. Rượu đã ngà ngà, ông trưởng họ lên tiếng: “Họ Vũ nhà ta thật vinh dự vì có người làm quan như anh Đạt đây. Đáng lẽ một người làm quan thì cả họ được nhờ. Nhưng thử hỏi các ông các bà đã nhờ anh Đạt được việc gì chưa?” Trước mặt họ hàng, anh Đạt điềm tĩnh, xin phép được chia sẻ, giải thích: “Nếu các ông các bà cứ giữ nếp nghĩ cổ hủ thì xã hội làm sao phát triển được. Không phải con vua thì lại làm vua. Chúng ta phải đi bằng đôi chân của chính mình thì mới vững”. Ông trưởng họ vẫn chưa đồng tình: “Anh đang nắm quyền hành trong tay, anh giúp ai mà chả được”. Anh Đạt nhẹ nhàng giải thích: “Hôm nay con là thủ trưởng, ngày mai người khác lên thay, vậy ai nâng đỡ các em, các cháu mãi được? Tốt nhất là phải tự lực cánh sinh, ông ạ!”.

Một số người có mặt hôm đó đã hiểu ra vấn đề. Còn ông Thành thì tự nhủ: “Phải bảo thằng út Nam cố gắng thôi, không thể hong hóng vào anh trai nó được”. Từ bữa đó, bà Thành cũng không còn khoe khoang nữa...

TRẦN THỊ LÀNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà có người làm quan