Bác Hồ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà tổ chức báo chí tài ba, lỗi lạc.
Báo Việt Nam độc lập, Cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1941
(số 103, ngày 21-8-1941, có đăng bài và tranh vẽ của Nguyễn Ái Quốc)
Từ khi còn đi tìm con đường cứu dân cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi báo chí là vũ khí sắc bén trong tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đi vào hành động cách mạng. Ngay trong lòng nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao của chế độ thực dân, vẫn đứng ra xuất bản báo "Người cùng khổ", lo từ việc viết bài, chụp ảnh đến biên tập, trình bày, in và phát hành báo. Sau này, khi trở về phương Đông vận động, tổ chức phong trào cách mạng, Bác Hồ lại trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận chính thức của Thanh niên cách mạng đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng ta. Và ngày báo Thanh niên ra số đầu (21-6-1925) được lấy là Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Sau bao năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, một ngày xuân Ất Tỵ 1941, Bác Hồ đặt chân về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một trong những việc quan trọng đầu tiên Bác khẩn trương tiến hành là chuẩn bị ấn hành một tờ báo tuyên truyền, tập hợp quần chúng tham gia cách mạng. Chỉ hơn hai tháng sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (5-1941) - hội nghị Trung ương đầu tiên do Bác Hồ trực tiếp chủ trì họp ở trong nước - ngày 1-8-1941, số đầu tiên của báo Việt Nam độc lập - Cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng bộ Việt Minh (Mặt trận Việt Minh) ra mắt người đọc trước sự sửng sốt, kinh hoàng của mạng lưới dày đặc mật thám Pháp ở Đông Dương hồi bấy giờ. Cũng như các lần trước, việc xuất bản báo Việt Nam độc lập lần này cũng hoàn toàn do Bác Hồ đảm nhiệm hầu như toàn bộ các khâu từ viết bài, biên tập, vẽ minh họa, trình bày, in ấn (in đá) đến đóng gói báo để gửi đến các điểm liên lạc bí mật. Trang nhất báo Việt Nam độc lập số đầu, Bác Hồ vẽ tranh một người cầm loa với lời đề giải dễ nhớ: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa/Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/Đoàn kết vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta". Cũng trong số báo này, Bác Hồ còn viết bài "Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập", chỉ rõ lợi ích của việc đọc báo: "Cho ta biết kết đoàn tổ chức/Cho ta hay sức lực của ta/ Cho ta biết chuyện gần xa/Cho ta biết nước non ta là gì".
Bác Hồ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà tổ chức báo chí tài ba, lỗi lạc. Thời kỳ ra báo Thanh niên, nhất là thời kỳ xuất bản báo Việt Nam độc lập ở Việt Bắc, Bác Hồ không những tổ chức rất khoa học hoạt động của tờ báo, thể hiện sinh động nội dung và hình thức trong từng tin bài, trang báo mà nhà báo Hồ Chí Minh còn thường xuyên quan tâm bồi dưỡng những người ở gần Bác tập viết báo. Người viết những dòng này đã có lần nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại câu chuyện về làm báo Việt Nam độc lập thời kỳ trước khởi nghĩa năm 1945. Một lần, đồng chí mang lên nộp cho Bác một bài viết. Bác xem xong bảo: "Chú mang về viết lại, bao giờ đọc cho anh em ở cùng với chú nghe, họ bảo hiểu được thì mang lên cho Bác". Đồng chí mang về viết lại, gọt giũa câu chữ, cắt ngắn đi, không dài dòng, lắm lời như trước. Khi mang lên nộp, Bác khen và dặn: Chỉ viết cái gì cần phải viết. Viết sao cho người khác đọc hiểu được ngay. Từ đấy, làm theo lời Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng thời còn là một nhà báo kiệt xuất.
Nhiều người còn nhớ, thời kỳ kháng chiến chín năm, khó khăn gian khổ chồng chất, nhưng Bác Hồ vẫn quan tâm sâu sắc đến việc đào tạo, bồi dưỡng những người viết báo. Được sự quan tâm chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, lớp viết báo đầu tiên mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng khai giảng tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, tháng 4-1949, đặt cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Và vinh dự cho học viên lớp viết báo đầu tiên này, chỉ trong ba tháng học, Bác Hồ hai lần gửi thư thăm hỏi, khuyến khích, dạy bảo anh chị em học viên nhiều điều bổ ích về nghề báo và công việc của người viết báo. Sau này, nhiều lần đến thăm Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam, hoặc gặp gỡ với các nhà báo Bác Hồ đều ân cần truyền đạt những kinh nghiệm viết báo của Bác cho những người có vinh dự được Bác gọi là "đồng nghiệp".
Hiếm có một nhà báo chuyên nghiệp nào ở nước ta và thế giới lại có quá trình hoạt động báo chí liên tục, sôi nổi và phong phú như nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Kể từ bài báo đầu tiên Bác Hồ viết đăng trên báo Luy-ma-ni-tê (Nhân đạo) - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra 18-6-1919, đến bài cuối cùng Bác viết đăng báo Nhân dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, số ra 1-6-1969, thì nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh có tròn 50 năm viết báo, với hàng nghìn bài viết ở nhiều thể loại, đăng trên 50 tờ báo, tạp chí xuất bản ở trong nước, nước ngoài. Chỉ riêng báo Nhân dân, trong khoảng hơn 18 năm, từ khi báo ra số đầu (11-3-1951) đến khi Bác qua đời (2-9-1969), đã đăng 1.205 bài của Người (bình quân mỗi năm đăng 70 bài). Đấy là chưa kể báo chí khác, và cũng chưa kể một số lượng thơ, văn phong phú, đa dạng do Bác Hồ viết với mục đích chính là tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng lao động và những người có lương tri, bằng cách này hay cách khác tham gia phong trào cách mạng và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, chứ hoàn toàn không có ý định làm văn chương, như sinh thời Người nói về thơ văn của mình.
Nhưng chỉ trên lĩnh vực báo chí thôi, trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, hoặc sau này, khi làm Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc mà vẫn viết được ngần ấy tác phẩm báo chí, đủ thấy Bác Hồ kính yêu của chúng ta say mê lao động báo chí đến mức nào. Chỉ một việc đó cũng đủ để những ai quan tâm đến báo chí học tập và noi gương Bác Hồ, góp phần đưa sự nghiệp báo chí cách mạng nước ta phát triển lên một tầm cao mới.
CAO NĂM