Họ là những nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng tỉnh nhà, yêu nghề như yêu chính cuộc sống.
Nhà báo Nguyễn Thế Trường vẫn duy trì thói quen đọc và viết báo mỗi ngày
Vượt nắng thắng mưa
Năm nay đã 81 tuổi nhưng nhà báo Nguyễn Thế Trường, nguyên phóng viên Báo Hải Dương vẫn hằng ngày duy trì thói quen đọc và viết báo - công việc đã gắn bó với ông suốt 6 thập kỷ qua. "Người làm báo lúc nào cũng phải như cái bình ắc quy. Ngơi viết là tinh thần làm việc, ngòi bút cũng sẽ bớt sắc như bình ắc quy dần cạn điện. Duy trì thói quen này khiến tôi cảm thấy người lúc nào cũng khoan khoái, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn", ông Trường chia sẻ.
Xuất thân là một giáo viên tiểu học nhưng ông Trường lại ham viết báo rồi chuyển về công tác tại Báo Hải Dương mới từ năm 1962. Nhớ lại kỷ niệm làm nghề những năm chiến tranh, ông Trường bảo những năm đầu về báo, do khó khăn nên ông chẳng có nổi chiếc xe đạp để đi. Hằng ngày, ông cuốc bộ đi cơ sở, bỏ vào túi củ sắn, củ khoai để ăn dọc đường lấy sức. Có ngày đi bộ cả mấy chục cây số, xuống tận các huyện Kinh Môn, Chí Linh. "Lúc nào cũng giữ tinh thần vượt nắng thắng mưa, không ngại khó, ngại khổ. Bấy giờ trong đầu chỉ nghĩ cứ đi và viết. Khó đến đâu thì khắc phục đến đó để làm sao dòng tin trên báo được duy trì. Sau này, tôi cũng mua được chiếc xe đạp Thống Nhất. Chiếc xe đã theo tôi rong ruổi khắp nơi trong tỉnh", ông Trường nhớ lại.
Năm 1965, giặc Mỹ mở rộng ném bom đánh phá miền Bắc. Tòa soạn Báo Hải Dương (bấy giờ nằm chung trong cơ quan của Tỉnh ủy) phải sơ tán về thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ (nay thuộc TP Hải Dương), rồi lại di chuyển về làng Tó, xã Phương Hưng (nay thuộc thị trấn Gia Lộc). Giặc ném bom cả ngày lẫn đêm nhưng nhà báo Nguyễn Thế Trường và các đồng nghiệp không quản ngại nguy hiểm, lao vào vùng chiến sự đưa tin, khích lệ tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân ta cũng như các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang"... Cả ngày lăn lộn ở cơ sở, tối về ông lại ngồi viết tin dưới ánh đèn dầu. Chiếc bút máy Trường Sơn nhiều khi bị bung ngòi do gặp phải giấy rơm nổi đầy gân cục nhưng không thể nào ngăn được những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống lần lượt "ra lò". Năm 1968, Báo Hải Dương và Báo Hưng Yên sáp nhập thành Báo Hải Hưng. Địa bàn hoạt động rộng hơn, công việc bộn bề hơn nhưng ông Trường vẫn hăng hái, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Nguyễn Thế Trường đã để lại rất nhiều tác phẩm báo chí hấp dẫn ở nhiều thể loại được bạn đọc ghi nhận, đánh giá cao.
Nhiều người đã, đang công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đều biết đến nhà báo Quách Đại Giang (sinh năm 1937) - một người xông xáo, luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ, hết lòng vì công việc. Giống như nhà báo Nguyễn Thế Trường, ông Giang cũng từng là giáo viên tiểu học trước khi chuyển về làm phóng viên Đài Phát thanh Hải Dương năm 1966.
Ngày mới về cơ quan, ông được phân công theo dõi các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Kinh Môn và lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Ngày ấy, ông đã có xe đạp để đi công tác nhưng trên vai lúc nào cũng phải đeo chiếc máy ghi âm nặng tới 5 kg. Do đài sản xuất 2 chương trình mỗi ngày (chương trình buổi sáng 7phút, chương trình buổi tối 30 phút) nên tất cả phóng viên đều phải làm việc rất khẩn trương. Sáng sớm đi cơ sở nhưng chiều về lại phải ngồi viết tin ngay để kịp cho chương trình buổi tối. Ông nhớ có lần đi xe đạp từ thị xã Hải Dương xuống tận huyện Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) để tác nghiệp, sau đó men theo đường 5 về tới cơ quan đã 5 giờ chiều. Ông không ăn cơm ngay mà vội ngồi viết bài để kịp cho chương trình thời sự sáng hôm sau. Mãi đến gần 10 giờ tối, trong khi nhiều người đã đi ngủ thì ông mới ăn tối.
Ngày ấy giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn. Bình thường đã vất vả nhưng khi gặp mưa bão thì đi lại để tác nghiệp càng cực nhọc gấp bội phần. Ông Giang nhớ lại: "Lần cơ quan phải sơ tán về xã Gia Tân (Gia Lộc), tôi có đạp xe về xã Quang Phục (Tứ Kỳ) để viết bài về HTX Thuyền Buồm. Khi về gặp bão to, cả người lẫn xe nhiều lần bị gió quật ngã dấp ngã dúi. Nước mưa như chùm cây mây quất vào mặt làm tôi đau rát. Nhưng tôi vẫn cố dong xe, đi từ 10 giờ sáng đến chiều tối mới về đến cơ quan để kịp viết bài cho chương trình phát thanh buổi tối".
Thời bom rơi đạn lạc, ông Giang và các đồng nghiệp cũng đối diện với đầy rẫy nguy hiểm khi đi tác nghiệp. Một lần sau khi làm việc ở huyện Kim Thành, ông định về nhưng do trời tối nên mọi người giữ ở lại. Đúng tối hôm đó, cầu Phú Lương bị giặc Mỹ bỏ bom. Ông bảo nếu hôm đó cứ cố về thì có thể sẽ bị mất xác vì trúng bom. Một lần khác về xã Thái Tân (Nam Sách), khi ông đang đi trên đê sông Thái Bình, phía đối diện là cảng Tiên Kiều thuộc xã Đức Chính (Cẩm Giàng) thì máy bay Mỹ bất ngờ ném bom. Mảnh bom vung bắn khắp nơi, may là ông Giang đã kịp vứt xe nằm xuống sát sườn đê.
Không ngơi nghỉ
Ông Trường, ông Giang chỉ là hai trong số rất nhiều nhà báo tuổi cao, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà. Nhiều người dành cả sự nghiệp gắn bó với cơ quan nhưng cũng có người chuyển công tác sang lĩnh vực khác rồi mới nghỉ hưu. Song, có một điểm chung là dù đã nghỉ hưu thì đa phần những "cây đa, cây đề" trong làng báo vẫn không ngừng viết bằng cả sự say mê như ngòi bút chẳng bao giờ ráo mực. Bằng kinh nghiệm nhiều thập kỷ viết báo, bằng nhãn quan, tư duy thời cuộc nhạy bén, đa số các nhà báo cao tuổi vẫn hằng ngày miệt mài viết bài cộng tác dưới nhiều thể loại, góp phần làm phong phú, hấp dẫn các ấn phẩm báo chí, tạp chí... Ông Trường, ông Giang chính là hai trong số những người có công thành lập Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi Hải Dương.
Nhiều năm qua, ông Giang còn tham gia làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 7 phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Ông là một trong những người tâm huyết, trách nhiệm với các phong trào ở địa phương, góp phần giúp khu dân cư số 7 đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa đầu tiên của phường. Từ năm 2001-2008, ông Giang còn làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Ngọc Châu với nhiều đóng góp tích cực.
TIẾN MẠNH