Ngoài những hộ thực sự nghèo do nguyên nhân khách quan thì ở Việt Hưng còn có những người cố ý không muốn thoát nghèo.
Ngôi nhà xuống cấp của gia đình anh Vũ Văn Duyển
Qua rà soát số lượng hộ nghèo trong toàn tỉnh cuối năm 2018, xã Việt Hưng (Kim Thành) có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,04%, cao thứ 2 của tỉnh, chỉ sau xã Vạn Phúc (Ninh Giang) có tỷ lệ hộ nghèo 6,32%.
Chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hưng đến gia đình ông Vũ Văn Tập (sinh năm 1939) và bà Phạm Thị Hương (sinh năm 1960) ở thôn Cam Thượng. Thấy nhà có khách, bà Hương chống nạng, dò từng bước ra cửa đón. Ngôi nhà cấp 4 của cặp vợ chồng này chỉ rộng hơn 20 m2 và không có vật dụng gì đáng giá. Cách đây 4 năm, trong một lần đi làm đồng bà Hương bị ngã gãy xương đùi. Vì không có tiền chạy chữa nên chân bà thành tật, đi lại phải có nạng. Từ ngày bị ngã bà Hương phải sống chung với thuốc giảm đau, căn bệnh viêm khớp thường xuyên hành hạ. Ông Tập đã già yếu, không thể đi làm. Nhà ông bà không có nguồn thu nhập ổn định nên được thôn bình xét là hộ nghèo.
Hoàn cảnh gia đình anh Vũ Văn Duyển (sinh năm 1987) ở cùng thôn Cam Thượng cũng rất éo le. Vốn là chàng trai khỏe mạnh, năm 2009 sau khi lấy vợ, có con, anh Duyển bắt đầu có những biểu hiện không bình thường về thần kinh. Không có tiền chạy chữa, bệnh càng thêm nặng, anh Duyển không tỉnh táo, thường xuyên đập phá đồ đạc hoặc đánh người nên gia đình buộc phải nhốt lại trong căn buồng sau nhà. Sau khi chồng phát bệnh, vợ anh Duyển bỏ đi để lại hai con trai 10 tuổi và 8 tuổi. Mọi sinh hoạt từ chăm sóc con trai đến lo cho hai cháu nội đều do mẹ anh Duyển đảm nhận. Ngôi nhà cũ xuống cấp, tường bong tróc là nơi trú ẩn của 1 người già, 2 đứa trẻ và 1 người tâm thần. Nhiều năm nay, gia đình anh Duyển là hộ nghèo.
Chứng kiến hoàn cảnh của từng hộ mới thấy với những người ốm đau thường xuyên, khuyết tật thật khó thoát nghèo. Cuối năm 2018, Việt Hưng có 79 hộ nghèo với 117 nhân khẩu. Theo danh sách hộ nghèo, có tới 29 hộ chỉ có 1 nhân khẩu và là người từ 80 tuổi trở lên, nhiều hộ có 2 khẩu đều là người cao tuổi, có 47 người khuyết tật không có khả năng lao động và được hưởng trợ cấp xã hội.
Nhưng ngoài những hộ thực sự nghèo do nguyên nhân khách quan thì ở Việt Hưng còn có những người cố ý không muốn thoát nghèo. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tường, một hiện tượng khá phổ biến, kéo dài từ nhiều năm nay là một số gia đình có cha mẹ đã già yếu lại thi nhau tách hộ. Thậm chí có gia đình con cái kinh tế khá, xây nhà to, mua xe ô tô, cha mẹ cao tuổi vẫn tách khẩu để thuộc diện hộ nghèo. Theo Luật Cư trú năm 2006, các cá nhân đủ điều kiện theo quy định đều có quyền được tách khẩu. Khi các hộ có nguyện vọng, địa phương phải cho tách khẩu, nếu không làm sẽ trái luật. Chỉ vì muốn hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ người nghèo, nhiều người đã kéo lùi phong trào thi đua của cả địa phương. Đây là lý do chính khiến Việt Hưng có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 của tỉnh. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn Việt Hưng sẽ khó về đích nông thôn mới.
Khi rà soát hộ nghèo để thực hiện xây dựng nông thôn mới, Việt Hưng có tới 12,6% số hộ nghèo. Đảng ủy xã đã có nghị quyết phấn đấu mỗi năm giảm 2%. Với những hộ nghèo làm nông nghiệp, có điều kiện thoát nghèo đều được Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tìm cách giúp đỡ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm. Để đạt chuẩn nông thôn mới năm nay, đầu năm, Đảng ủy, chính quyền xã Việt Hưng đã chỉ đạo các thôn tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động các hộ nghèo chỉ có một khẩu là người cao tuổi nhập về với con cái. Việc này cũng thể hiện đúng đạo lý của người Việt, con cái cần có trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ. Nếu vận động được các hộ làm tốt việc này, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Hưng có thể giảm xuống 2,6 - 2,8%.
TÂM PHÚC