Trong những tuần gần đây, hàng trăm trẻ em Indonesia chết vì COVID-19, trong đó có nhiều trẻ dưới 5 tuổi.
Tỉ lệ tử vong này cao nhất thế giới và làm lung lay quan điểm rằng trẻ em thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Một người phụ nữ và hai con gái sinh đôi 7 tuổi ở Jakarta, Indonesia
Theo tờ New York Times, trong tháng 7, Indonesia ghi nhận trên 100 trẻ em tử vong mỗi tuần vì COVID-19 khi quốc gia này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Tiến sĩ Aman Bhakti Pulungan, Chủ tịch Hội Nhi khoa Indonesia cho biết: "Tỉ lệ trẻ em tử vong ở Indonesia là cao nhất trên thế giới. Tại sao chúng ta không dành cho trẻ em những điều tốt nhất?"
Số ca tử vong ở trẻ em tăng cao trong bối cảnh “cơn sóng thần” Delta quét qua Đông Nam Á, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, gây ra các đợt bùng dịch kỷ lục không chỉ ở Indonesia, mà còn ở Thái Lan, Malaysia và Myanmar.
Trong tháng 7, Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, đã vượt Ấn Độ và Brazil về số trường hợp mắc mới hàng ngày và trở thành tâm dịch mới của thế giới. Chính phủ nước này đã ghi nhận kỷ lục gần 50.000 ca mắc mới và 1.566 ca tử vong trong dân số vào hôm 23.7.
Theo báo cáo từ các bác sĩ nhi khoa, trẻ em hiện chiếm 12,5% các trường hợp mắc COVID-19 của cả nước, tăng đáng kể so với những tháng trước. Bác sĩ Aman cho biết trên 150 trẻ em đã chết vì COVID-19 trong tuần giữa tháng 7, với một nửa số ca tử vong gần đây liên quan đến nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Tính đến ngày 26.7, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng trên 3,1 triệu trường hợp mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 83.000 ca tử vong. Song các chuyên gia y tế cho biết con số thực tế cao hơn nhiều lần vì việc xét nghiệm còn rất hạn chế.
Bác sĩ Aman cho biết trên 800 trẻ em ở Indonesia dưới 18 tuổi đã tử vong vì virus kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng phần lớn những trường hợp tử vong tập trung trong tháng 7.
Tiến sĩ Yasir Arafat, cố vấn y tế châu Á cho tổ chức phi lợi nhuận Save the Children, cho biết: “Cho đến nay, trẻ em vẫn được coi là nạn nhân vô hình của đại dịch này. Nhưng điều đó lúc này không còn đúng nữa".
“Không chỉ các quốc gia như Indonesia đang chứng kiến số trẻ em kỷ lục chết vì COVID-19, chúng ta cũng đang thấy xu hướng gia tăng đáng báo động của tình trạng trẻ em không được tiêm chủng và thiếu các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu”, ông Yasir nói thêm.
Các chuyên gia y tế cho biết có một số yếu tố khiến số lượng trẻ em tử vong cao. Các bác sĩ cho biết một số trẻ có thể dễ mắc COVID-19 vì các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.
Tỉ lệ tiêm chủng thấp cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ em tử vong vì COVID-19 tăng cao. Hiện chỉ có khoảng 16% dân số Indonesia được tiêm một mũi vaccine và 6% đã tiêm đủ 2 mũi. Giống như nhiều quốc gia khác, Indonesia không tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi và mới bắt đầu tiêm chủng cho nhóm 12 đến 18 tuổi.
Một học sinh được tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc trong tháng này ở Jakarta
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, nhiều bệnh viện đang phải đối mặt tình trạng quá tải khi ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong đợt bùng dịch gần đây. Bệnh nhân phải ngồi trong hành lang và lều dựng tạm để chờ giường bệnh trống. Rất ít bệnh viện được trang bị cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chăm sóc cho trẻ em mắc COVID-19.
“Nếu trẻ em mắc bệnh, chúng ta sẽ đưa chúng đi đâu? Phòng cấp cứu đang quá tải bệnh nhân ở tuổi trưởng thành. Trong nhiều tuần qua, người bệnh phải chờ ở phòng cấp cứu trong nhiều ngày. Làm sao chúng ta có thể nghĩ trẻ em chịu đựng được điều đó?”, bác sĩ Aman nói.
Một giáo viên đến thăm một ngôi làng hẻo lánh trên đảo Java, Indonesia
Ông Edhie Rahmat, Giám đốc điều hành Tổ chức Chăm sóc y tế phi lợi nhuận Project HOPE chi nhánh Indonesia cho biết do bệnh viện quá tải, khoảng 2/3 bệnh nhân tuổi trưởng thành phải tự cách ly ở nhà. Điều này cũng làm tăng khả năng trẻ em bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng chịu rủi ro lây nhiễm khi nhiều người tới thăm.
“Một số trẻ mới sinh xuất viện với kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng các em lại tử vong vì virus sau khi hàng xóm và họ hàng đến thăm. Thật quá đau lòng”, ông Edhie nói.
Tiến sĩ Aman cho rằng việc nâng cao ý thức của người dân và thuyết phục mọi người tuân thủ quy định phòng dịch sẽ là một bước khởi đầu hiệu quả để bảo vệ trẻ em trước làn sóng dịch bệnh.
“Tất cả là do người lớn. Họ là những người cứng đầu. Họ không đeo khẩu trang và đưa con tới những nơi đông người”, ông Edhie cảnh báo.
Theo Vietnam+