Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực

22/03/2014 05:00

Mặc dù bị giam cầm nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn đóng góp lớn vào phong trào đấu tranh cũng như xây dựng tổ chức Đảng ngay tại nhà tù...



Cuối tháng 12-1939, các đảng viên trong Nhà tù Sơn La đã họp và bí mật thành lập chi bộ
 lâm thời gồm 10 đồng chí và cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ


Cuối năm 1933, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại bị giặc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Đến tháng 5-1935, đồng chí bị đày lên Nhà tù Sơn La. Đến lúc này (năm 1935), Pháp đã đày lên Sơn La 6 đoàn tù với tổng số 486 người, chỉ có một số tù thường phạm còn đa số là tù chính trị, trong đó phần lớn là đảng viên cộng sản. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp càng ra sức xây dựng và củng cố ngục Sơn La, tiếp tục đưa tù chính trị từ nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam lên Sơn La ngày càng đông. Từ cuối năm 1939 đến cuối năm 1942, Pháp tiếp tục đày 7 đoàn tù chính trị lên, trong đó phần đông là cán bộ, đảng viên và quần chúng kiên trung của Đảng.

Từ năm 1935 đến năm 1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có nhiều đóng góp lớn trong phong trào đấu tranh cũng như xây dựng tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng tại nhà tù này.

Do những điều kiện khó khăn nhất định nên lúc bấy giờ chưa thành lập được chi bộ cộng sản trong nhà tù. Những người cộng sản ở nhà tù nhận thức rằng với lực lượng đảng viên đông như vậy, mà không có một tổ chức thống nhất để chỉ đạo cuộc đấu tranh, tất sẽ gặp nhiều khó khăn và tổn thất không thể lường trước được. Dù khó khăn đến đâu cũng phải gấp rút thành lập được chi bộ cộng sản - hạt nhân lãnh đạo của nhà tù, mới có thể giành được thắng lợi ngày càng to lớn. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh đã bí mật gặp gỡ một số đảng viên trong Nhà tù Hỏa Lò bị đày lên ngục Sơn La trao đổi ý kiến về biện pháp đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ lực lượng cách mạng.

Cuối tháng 12-1939, các đảng viên trong Nhà tù Sơn La đã họp và bí mật thành lập chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí và cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ. Do yêu cầu công tác lãnh đạo ngày càng cao đối với nhà tù, tháng 2-1940, chi bộ lâm thời được chuyển thành chi bộ chính thức. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được chi bộ tín nhiệm bầu vào cấp uỷ cùng với các đồng chí Trần Huy Liệu, Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Ngô Minh Loan (tức Ngô Xuân Loan), Nguyễn Văn Trân, Tô Quang Đẩu, Ngô Ngọc Du, Lưu Đức Hiểu, Trần Đăng Ninh...

Sự ra đời của Chi bộ Nhà ngục Sơn La không những đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Sơn La, mà còn đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng ở Sơn La. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sơn La, vì thời kỳ này toàn tỉnh chưa có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Chi bộ Nhà ngục Sơn La ra đời đã thực sự trở thành cơ quan tổ chức và xây dựng cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này.

Trong điều kiện hà khắc của nhà tù, Nguyễn Lương Bằng cùng với một số đồng chí tổ chức chữa bệnh cho anh em trong tù; tổ chức đưa ra những yêu cầu đòi cải thiện đời sống của tù nhân... Rút kinh nghiệm các đoàn tù trước lên Sơn La, dưới sự chỉ đạo bí mật của đồng chí Trường Chinh và Nguyễn Lương Bằng, anh em tù đấu tranh kiên quyết chống lại chế độ tù đày khắc nghiệt, đồng thời chăm lo sức khỏe cho anh em để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu sắp tới. Uy tín của Nguyễn Lương Bằng được khẳng định qua các cuộc đấu tranh trong nhà tù, vì vậy bọn cai tù buộc phải giam ông vào hầm tối. Các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đã nhiều lần tuyệt thực đòi thả đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí khác bị giam dưới hầm tối. Khi bị đày xuống hầm tối, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã phân tích cho anh em tù thấy rõ là phải tích cực đấu tranh, nếu không đấu tranh thì sẽ không biết đến bao giờ chúng mới đưa ra khỏi nơi "cửa mồ" này. Cuộc đấu tranh này sẽ rất ác liệt, phải đổ máu mới giành được thắng lợi. Được đồng chí Nguyễn Lương Bằng giải thích, anh em tù hưởng ứng tích cực và tìm mọi cách báo cho anh em bị giam ở trên phối hợp đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cắt ngón tay lấy máu hòa với nước lã và viết lên tường: "Đả đảo chế độ nhà tù hà khắc"; "Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm". Có khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn lấy dao cạo rạch lưỡi, nằm thẳng đơ trên giường, máu trào ra miệng. Khi tên lính mở cửa vào giờ ăn trưa, thì anh em bị giam dưới hầm cũng như trên hầm hò la phản đối việc giam tù chính trị trong hầm tối. Tên giám ngục buộc phải đưa đồng chí Nguyễn Lương Bằng đi nhà thương và số anh em khác cũng được đưa ra khỏi hầm tối. Cuộc đấu tranh thắng lợi.

Cuộc sống lao tù hà khắc, giữa vùng rừng núi hoang vu, để nâng cao tinh thần lạc quan cho anh em trong tù, Nguyễn Lương Bằng cùng với các chiến sĩ cách mạng trung kiên đã tạo ra một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo. Đó là tổ chức những buổi hòa nhạc. Những cây đàn tứ, chiếc nhị, chiếc hồ, được sắm bằng tiền lao động của anh em. Bên cạnh những điệu hát quen thuộc như: lưu thủy, hành vận, vọng cổ hoài lang... thì những bài hát mới do đồng chí Nguyễn Lương Bằng sáng tác được sử dụng rộng rãi trong tù. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở thành tấm gương đảng viên cổ vũ anh em viết các vở kịch, dàn dựng và biểu diễn ngay trong ngục, nội dung phong phú, đầy tính chiến đấu. Những vở kịch thường nhằm vào các đề tài chống ngoại xâm trong lịch sử nước nhà để giáo dục và cổ vũ lòng yêu nước, thương nòi.

Bên cạnh xây dựng cơ sở đảng trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn góp phần xây dựng các tổ chức quần chúng - chỗ dựa tin cậy của chi bộ, đồng thời là đối tượng kết nạp đảng viên mới. Đảng viên hết sức quan tâm, giúp đỡ bồi dưỡng lập trường lý tưởng, ý chí chiến đấu cho quần chúng, được quần chúng tin yêu, mến phục.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Đại hội đại biểu tù nhân thảo luận sôi nổi, thông qua quy chế chung về tổ chức nhà tù, bầu ra các cơ quan tự quản của tù chính trị. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Nhà tù đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, điều hành hoạt động của tù nhân giữa hai kỳ đại hội, chỉ đạo các ban cơ sở đồng thời làm chức năng đối ngoại.

Năm 1943, Đảng bố trí cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục về làng Vạn Phúc (Hà Đông) gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ để tiếp tục nhận nhiệm vụ. Trong những năm tháng sống và hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả của người cộng sản, được anh em tin yêu quý mến đặt cho biệt danh là Sao Đỏ.
Chuẩn bị khởi nghĩa, Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc do Hồ Chí Minh là Chủ tịch; Ban Thường trực gồm năm người, trong đó có Nguyễn Lương Bằng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc đổi thành Chính phủ lâm thời, Nguyễn Lương Bằng xin rút lui nhường chỗ cho các nhân sĩ yêu nước khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học".

Cử chỉ "đáng khen", "đáng kính" ấy của đồng chí Nguyễn Lương Bằng chính là đã được đào luyện trong lò lửa của cách mạng, trước những thách thức nghiệt ngã trong Nhà tù Sơn La mà đồng chí đã vượt qua và là tấm gương sáng cho các chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh cực kỳ cam go của dân tộc. Đánh giá công lao của đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng như thế hệ chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Những người tù cộng sản bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La đã "biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, lại chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn".

PGS,TS. TRẦN THỊ THU HƯƠNG


(0) Bình luận
Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực