Nguyên liệu đầu vào tăng cao doanh nghiệp "thắt lưng buộc bụng"

12/04/2010 06:11

Trước sức ép chi phí đầu vào tăng cao, nhiều DN đã tiết kiệm chi tiêu, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý nhằm hạn chế những tác động của việc tăng giá.


Sản xuất vật liệu xây dựng là ngành gặp khó khăn nhất do tác động của việc tăng giá than, điện, nước...

Từ đầu tháng 3-2010, giá điện, nước, than đồng loạt tăng cùng với việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung, dài hạn đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Trước sức ép hàng loạt chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiết kiệm nhiều khoản chi, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất những tác động của việc tăng giá.


Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chịu tác động rõ nhất của việc tăng giá điện, nước, than. Ông Lê Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho biết: Giá đầu vào tăng cao, cộng với giá nhân công lao động tăng làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng ngoài kế hoạch, buộc công ty phải “thắt lưng, buộc bụng”, thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi phí, thay các bóng đèn cao áp bằng đèn com-pắc tiết kiệm điện, bố trí công nhân làm ca 3 để hạn chế việc sử dụng điện trong giờ cao điểm, tận dụng các nguyên liệu như than, dầu để giảm chi phí sản xuất. Phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong toàn công ty. Ông Lê Văn Định cũng cho biết thêm: Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải tự thân vận động để không ngừng gia tăng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, cân đối hợp lý các chi phí đầu vào, đầu ra của sản phẩm để đưa ra mức giá bán hợp lý nhất.


Ông Phạm Huy Thọ, Chánh văn phòng Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, cho biết: Năm 2009, do kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ xi-măng giảm, lợi nhuận của công ty cũng giảm nhưng để giữ thị phần và uy tín, công ty đã không tăng giá bán. Nhưng sang đến đầu năm 2010, giá một loạt nguyên liệu đầu vào thiết yếu là điện, than, xăng, dầu đều đồng loạt tăng, buộc công ty phải điều chỉnh giá bán. Trong tháng 2, xi-măng Hoàng Thạch đã phải tăng giá bán thêm 40 nghìn đồng/tấn. Công ty tiết kiệm nguyên liệu, xây dựng lại định mức tiêu hao nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào. Quan tâm đổi mới thiết bị công nghệ để tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất lao động. Áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được thử nghiệm trong sản xuất…

Theo ông Bùi Thế Nghĩa, Chánh văn phòng Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương: Trước tác động của việc tăng giá điện và một số nguyên liệu đầu vào khác, để ổn định sản xuất, Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương thay đổi thiết kế cho một số sản phẩm bơm trước đây, đồng thời, thiết kế, chế tạo thêm những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Công ty cải tiến quy trình công nghệ, định mức vật tư kỹ thuật, dụng cụ gá lắp hợp lý, tiết kiệm chi phí, phục vụ tốt cho sản xuất. Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Hợp Thành, đơn vị chuyên sản xuất, lắp ráp các loại thùng xe ô-tô cho biết: Ngoài việc tăng giá điện, các chi phí khác như giá vận chuyển, giá nguyên phụ liệu cũng đều tăng trong khi giá thành sản phẩm chưa thể tăng ngay, vì vậy doanh nghiệp phải tự cắt giảm các chi phí, sử dụng điện tiết kiệm, bố trí sản xuất hợp lý…

Tăng cường cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ, để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí… là việc mà các doanh nghiệp đang làm để đối phó với tác động tăng giá của nhiều nguyên liệu đầu vào. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc mỗi doanh nghiệp tự "thắt lưng buộc bụng", giảm tối đa chi phí đầu vào, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động là việc làm hết sức quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế cả nước chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Song, để doanh nghiệp phát triển bền vững, Nhà nước cần có nhiều biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, lãi suất ngân hàng…

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên liệu đầu vào tăng cao doanh nghiệp "thắt lưng buộc bụng"