Mùa hè, thời tiết oi nóng nên nhiều trẻ em tìm đến các bãi tắm tự phát ở sông, hồ, ao... để giải nhiệt nên nguy cơ bị đuối nước tăng lên.
Trẻ em tắm ở ao công cộng thôn Khăn, xã Gia Hòa (Gia Lộc) không có người lớn giám sát
Chủ quan
Cứ khoảng 16 giờ 30 - 18 giờ, tại khu vực cống qua đê sông Kinh Môn thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Lạc Long và xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) luôn có một nhóm thiếu niên đến tắm. Đây là khu vực nguy hiểm, nguy cơ đuối nước rất cao. Có lúc nước sông dâng cao, dòng chảy xiết, tạo các vòng xoáy cuốn ra xa. Mặc dù vậy, ở đây không có biển cảnh báo nguy hiểm.
Em Phạm Văn Dương (14 tuổi), học sinh Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn) hồn nhiên nói: "Trời oi nóng nên buổi chiều cháu cùng các bạn thường rủ nhau ra đây tắm. Tắm ở đây không mất phí, nước lại mát và sạch, có cả chỗ để nhảy từ trên cao xuống nên bọn cháu rất thích. Không như ao trong làng còn mấy cái thì nước ô nhiễm bẩn lắm, không thể bơi được".
Ngoài khu vực sông thì ao, hồ ở nông thôn cũng thu hút nhiều trẻ em đến bơi lội. Đến thôn Khăn, xã Gia Hòa (Gia Lộc) vào khoảng 16 giờ 30, chúng tôi thấy một nhóm trẻ em tắm tại một ao công cộng trong thôn. Các em lặn ngụp, rồi kiệu nhau lên vai nhảy thùm thùm. Khu vực hồ nước cạnh cổng khu dân cư Ninh Quan, đối diện UBND phường Ái Quốc (TP Hải Dương) cũng thường xuyên có nhiều thanh thiếu niên bơi lội, bất chấp nguy hiểm.
Tắm ở những địa điểm nguy hiểm như trên, chỉ trong tích tắc sơ sẩy có thể cướp đi sinh mạng của các em. Những tai nạn thương tâm đã trở thành ám ảnh, nỗi đau, mất mát của nhiều gia đình và gióng lên hồi chuông báo động đối với cộng đồng về tai nạn đuối nước.
Ngày 1.10.2017, em N.H.Đ.A. (sinh năm 2012, ở xã Hiến Thành, Kinh Môn) cùng bạn là P.V.D. (sinh năm 2013, ở Hải Phòng) rủ nhau xuống ao nhà ông P.V.Q. (sinh năm 1937, ở thôn Nhất Sơn, xã Thái Thịnh, Kinh Môn) tắm và bị đuối nước. Em N.H.Đ.A. là cháu ngoại của ông P.V.Q.
Ngày 3.10.2015, em Nguyễn Thế Anh và Phạm Văn Thắng, cùng sinh năm 2003, là học sinh lớp 7A, Trường THCS Long Xuyên đã rủ 7 bạn học cùng khối đến tắm tại ao thả cá ở nhà một bạn học cùng lớp là Phạm Thị Sao Mai ở xã Hùng Thắng (cùng huyện Bình Giang). Trong khi tắm, 2 cháu Thế Anh và Thắng bị thụt xuống hố sâu rồi đuối nước.
Không có kỹ năng bơi lội
Mỗi năm, nước ta có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi toàn xã hội phải chung tay giải quyết.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Giàng, ngay đầu hè 2019 trên địa bàn huyện đã có 2 vụ trẻ em tử vong do đuối nước, nguyên nhân chính là do sự lơ là của gia đình. Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em đều do không có người lớn đi cùng quản lý hay giám sát nên khi xảy ra vụ việc, không thể cứu kịp thời.
Khi được hỏi về vấn đề này anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Lạc Long (Kinh Môn) cho biết: "Vợ chồng tôi đi làm công ty từ sáng đến tối, bọn trẻ ở nhà với ông bà được nuông chiều nên tự do đi chơi. Có lẽ tôi phải có biện pháp để quản lý con chặt chẽ hơn chứ tình trạng trẻ em đuối nước nhiều làm tôi lo sợ. Theo tôi mỗi gia đình phải để ý con bởi chủ quan sẽ rất nguy hiểm, nhất là mùa hè bọn trẻ hay trốn đi tắm ngoài sông, ao. Xã cần cắm biển cảnh báo ở những nơi tắm có nguy cơ đuối nước cao".
Theo anh Nguyễn Xuân Mạnh, giáo viên dạy bơi tại bể bơi Thái HD (TP Hải Dương), tình trạng trẻ em đuối nước xảy ra nhiều tại sông, ao, hồ còn do các em thiếu kiến thức, kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước cơ bản. Nhiều em đã biết bơi nhưng còn chưa biết cách lấy hơi hay khởi động trước khi xuống nước mà thường nhảy xuống bơi luôn. Khi gặp con nước xoáy hoặc lấy hơi không đều, hẫng chân dẫn đến sặc nước, thần kinh hoảng loạn, chới với, bị chuột rút… dẫn đến tử vong.
Cộng đồng dân cư cần chung tay vào cuộc để bảo vệ mạng sống cho chính con em mình. Người lớn cần nhắc nhở khi thấy trẻ em tắm tại các bể bơi tự phát hoặc thông tin cho phụ huynh, không nên thờ ơ, vô cảm dẫn đến những vụ việc đuối nước thương tâm. Nhà trường cần tăng cường dạy học sinh kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước; phối hợp với các tổ chức, đơn vị đầu tư bể bơi và mở các lớp dạy bơi tại địa phương hoặc các hội thi, giải bơi lội học sinh để trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng bơi lội, từ đó tạo phong trào bơi lội trong quần chúng. Các tổ chức, đoàn thể cần tạo nhiều sân chơi cho các em trong kỳ nghỉ hè; thường xuyên tuyên truyền trên truyền thanh của địa phương để cha mẹ các em biết và có giải pháp quản lý con em mình.
THẾ ANH