Thông tin một số trường hợp trên thế giới tử vong vì thuốc lá điện tử (TLĐT) khiến không ít người dùng lo lắng. Lo là vậy nhưng nhiều người vẫn dùng và hoạt động mua bán loại thuốc lá này vẫn diễn ra sôi động.
Dù một số trường hợp trên thế giới tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử nhưng nhiều người vẫn chưa có ý định từ bỏ
Vẫn hútAnh Nguyễn Hữu H. 34 tuổi, ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã nghiện thuốc lá 16 năm. Nhiều lần anh H. quyết tâm cai thuốc nhưng đều không thành công. Anh thường lấy lý do phải thức khuya làm việc để biện minh cho việc hút thuốc lá của mình. Cách đây khoảng nửa năm, anh H. được một số đồng nghiệp khuyên nên chuyển sang dùng TLĐT. Qua tìm hiểu và bạn bè tư vấn, anh H. cho rằng TLĐT có nhiều ưu điểm vượt trội so với thuốc lá truyền thống như ít khói, ít độc hại, không có mùi hôi, không gây khó chịu cho những người xung quanh nên anh H. đã chuyển sang hút TLĐT. Anh H. cho biết: "Tôi chọn dùng loại này vì nghĩ nó ít tác hại so với thuốc lá truyền thống, không ảnh hưởng đến vợ con. Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, tôi nghe nói một số trường hợp trên thế giới đã chết do sử dụng TLĐT nên cũng khá lo lắng nhưng tôi chưa thể bỏ ngay được".
Anh Phạm Văn Ph. 36 tuổi, ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) hút thuốc từ khi mới 15 tuổi. Khoảng 6 tháng nay, anh Ph. chuyển sang dùng TLĐT vì bạn bè cũng dùng và nghe quảng cáo về TLĐT khá hấp dẫn. Theo anh Ph., thay vì mùi hôi, khó chịu như thuốc lá truyền thống thì TLĐT có mùi thơm. Tuy nhiên, chi phí dùng TLĐT tốn kém hơn từ 1,5-2 lần so với hút thuốc lá thông thường. Qua nhiều nguồn thông tin, anh Ph. cũng dần nhận thấy tác hại của TLĐT nhưng cũng giống như anh H., anh chưa thể bỏ loại thuốc lá này.
Bác sĩ Trần Thị Mai, Trưởng Khoa U bướu (Bệnh viện Phổi tỉnh) cho biết hiện chưa có nghiên cứu đánh giá so sánh TLĐT và thuốc lá truyền thống. Các thành phần hóa học để tạo hương liệu, tạo màu cho tinh dầu có trong loại thuốc này nếu không bảo đảm vẫn có thể gây tác hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng. Dù không có mùi khó chịu nhưng trong quá trình sử dụng TLĐT, nicotine cùng nhiều thành phần hóa học vẫn bị đốt cháy ảnh hưởng đến người dùng và phát tán ra môi trường, gây hại cho những người xung quanh. Gần đây, đã có một số trường hợp trên thế giới tử vong vì các bệnh phổi liên quan đến TLĐT. Đây là bằng chứng cụ thể để khẳng định TLĐT không hề ít tác hại, càng không phải là chế phẩm hỗ trợ cai nghiện thuốc lá truyền thống như nhiều người từng nghĩ.
"Sát thủ thầm lặng"Những người chuyên sử dụng TLĐT ở Hải Dương đã lập một nhóm riêng trên mạng xã hội Facebook với hơn 1.500 thành viên. Trước đây, nhóm này hoạt động công khai nhưng sau đó đã chuyển thành nhóm kín. Là thành viên của nhóm này, anh Nguyễn Hữu H. cho biết thông tin về các ca bệnh tử vong do sử dụng TLĐT không hề ảnh hưởng đến hoạt động của nhóm. Việc mua bán, thảo luận về các loại TLĐT vẫn diễn ra rất sôi nổi. Anh H. thường mua tinh dầu dành cho TLĐT ở trên trang này và họ có thể giao về tận nhà. Cho chúng tôi xem một lọ tinh dầu chỉ có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, anh H. cho biết người dùng TLĐT như anh thường không để ý nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ mà chỉ quan tâm loại tinh dầu này có mang lại độ "phê" hay không.
Liên hệ với một người có tài khoản Facebook là M.H.Ng. chuyên bán TLĐT ở TP Hải Dương, chúng tôi được tư vấn rất nhiệt tình. Người này khẳng định TLĐT giảm hẳn tác hại so với thuốc lá truyền thống. Họ còn quảng cáo có thể cung cấp khoảng 20 loại tinh dầu với mùi vị của nhiều loại hoa quả để khách hàng có thể lựa chọn. Nếu có nhu cầu pha trộn hoặc chiết xuất các loại tinh dầu theo ý thích họ cũng có thể đáp ứng.
Sử dụng TLĐT thường là những người trẻ tuổi, muốn trải nghiệm cảm giác mới lạ. Những căn bệnh liên quan đến TLĐT thường không biểu hiện ngay mà phải trải qua thời gian dài sử dụng mới thấy. Thuốc lá truyền thống hay TLĐT đều là "sát thủ thầm lặng". Để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh thì không nên sử dụng.
HOÀNG QUÂN
Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng, chức năng của thuốc lá thông thường. Thiết bị hoạt động bằng pin, cấu tạo gồm phần đầu gắn một buồng đốt. Bên trong buồng đốt là dây may so, có công dụng đốt dung dịch (tinh dầu) đặc chế. Người dùng ngậm trực tiếp vào đầu buồng đốt để hút. Đã có 7 trường hợp ở Mỹ tử vong vì các bệnh phổi liên quan đến thuốc lá điện tử. Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã chính thức cấm thuốc lá điện tử như Brazil, Australia, Argentina, Bỉ, Canada, Na Uy, Singapore, Uruguay, Ấn Độ...
|