Những người lao động tự do nhập cảnh về Việt Nam qua đường mòn, lối mở tự phát từ khu vực biên giới như những "quả bom hẹn giờ", tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Đã 83 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Đó là do nước ta đã làm rất tốt việc kiểm soát nguồn lây từ những người nhập cảnh. Chúng ta đã tăng cường kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải; lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua biên giới; tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại nhiều nước. Hạn chế tối đa các chuyến bay giữa Việt Nam đến các vùng có dịch và ngược lại. Quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch...
Tuy nhiên, vẫn còn những người lao động tự do nhập cảnh về Việt Nam qua đường mòn, lối mở tự phát từ khu vực biên giới, rồi trở về địa phương. Nếu những người này nhiễm SARS-CoV-2 thì họ như "quả bom hẹn giờ" bởi suốt hành trình từ khi bắt đầu nhập cảnh đến lúc tới địa phương, họ đã tiếp xúc với bao nhiêu người trên các phương tiện giao thông, những nơi họ ghé vào ăn uống, sử dụng các dịch vụ... Chỉ tính những trường hợp tiếp xúc gần với những người này có thể lên tới vài chục người, thậm chí cả trăm người.
Trường hợp bệnh nhân 315 của Việt Nam là một ví dụ. Ngày 2.5, người đàn ông 39 tuổi này nhập cảnh trái phép bằng đường mòn từ Campuchia về Việt Nam. Khi đến nhà người dì ruột ở ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh), gia đình trình báo chính quyền địa phương. Đến ngày 15.5, xét nghiệm lần 2 của anh này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Hải Dương, lượng người nhập cảnh về không phải là ít. Từ giữa tháng 5 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hơn 800 chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài về cách ly tại các khách sạn trong tỉnh. Những người này được theo dõi, quản lý chặt chẽ ngay từ khi nhập cảnh vào Việt Nam, được đưa đi cách ly ngay và quá trình cách ly được theo dõi chặt chẽ nên đã loại bỏ được nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, từ ngày 14.5 đến đầu tháng 7, Hải Dương đã có 9 người về địa phương theo đường mòn biên giới. Những người này chủ yếu là lao động tự do ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) về Hải Dương theo đường mòn biên giới thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang... Các huyện, thành phố như Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng đều có những lao động nhập cảnh theo diện này.
Ngay khi về địa phương, những người này đã được đưa đi cách ly tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, người thân tiếp xúc với họ cũng được hướng dẫn tự cách ly tại gia đình và được theo dõi, giám sát. Nhưng nếu không may họ mang mầm bệnh thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng vẫn rất cao. Cũng có thể có người vì e ngại những bất tiện do cách ly nên chưa chủ động khai báo, đi cách ly ngay khi về địa phương.
Thực tế này cho thấy chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là với dịch Covid-19. Phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là các trường hợp đi qua đường mòn, lối mở rồi vào tỉnh Hải Dương.
Ở các địa phương, người dân chính là những "tai mắt" quan trọng, nhà ai có con đang đi xuất khẩu lao động hay đang làm ở đâu... láng giềng đều nắm khá rõ. Do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát hiện và thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng những trường hợp nhập cảnh về địa phương mà không khai báo. Người dân không nên vì e ngại, nể nang mà che giấu cho những người mới nhập cảnh về. Cần phát huy vai trò của trưởng các thôn, khu dân cư, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể để lập nên những hàng rào phòng bệnh ngay từ cơ sở.
KIM THANH