Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc vẫn hiện hữu khi một lượng lớn lao động tại đây đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước đúng hạn mà ở lại làm việc bất hợp pháp.
Cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã Quang Minh (Gia Lộc) đến nhà người thân của lao động
đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc để tìm hiểu tình hình, tuyên truyền vận động
Hơn 800 lao động vẫn "cố thủ"
Chúng tôi cùng ông Phạm Văn Hỷ, cán bộ lao động, thương binh và xã hội (LÐTBXH) xã Quang Minh (Gia Lộc) đến nhà ông V.V.T. ở thôn Minh Tân. Ông T. là cậu ruột, có công giúp đỡ hai cháu H.Ð.X. và H.Ð.C. đi lao động ở Hàn Quốc. Ông T. cho biết: "Một cháu đi năm 2007, cháu còn lại sang đó vào năm 2010. Mỗi tháng, hai cháu có tổng thu nhập khoảng 2.000 USD. Trước đây, gia đình chúng thuộc diện nghèo nhưng nay cuộc sống đã khấm khá hơn. Sau khi hết hạn hợp đồng lao động (HÐLÐ), cả hai cháu đều ra làm ở ngoài. Nghe cháu H.Ð.X. kể một hôm đang ở chợ thì bị lực lượng chức năng Hàn Quốc bắt, trục xuất về nước trước Tết Bính Thân. Cháu còn lại vẫn ở bên đó làm nghề xây dựng".
Tính đến thời điểm trước ngày 30-11-2015, xã Quang Minh có 13 trường hợp lao động tại Hàn Quốc đã hết HÐLÐ nhưng không về nước đúng hạn. Ðến ngày 17-2-2016, xã còn 11 lao động đang làm việc bất hợp pháp (LVBHP) tại Hàn Quốc, 2 người đã về nước.
Tình trạng lao động cư trú, LVBHP tại Hàn Quốc còn xuất hiện ở nhiều nơi khác trong tỉnh. Theo Sở LÐTBXH, tính đến ngày 30-11-2015, toàn tỉnh có 853 lao động LVBHP tại Hàn Quốc ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. 4 địa phương có nhiều lao động LVBHP nhất là: Cẩm Giàng (114 người), Gia Lộc (96 người), Chí Linh (91 người), TP Hải Dương (88 người). Huyện Kim Thành có số lao động LVBHP ít nhất là 39 người. Ngoài ra, trong năm nay toàn tỉnh có 392 lao động ở Hàn Quốc phải về nước. Nếu số người này không về nước đúng hạn sẽ trở thành lao động LVBHP. Hiện nay, tỉnh ta có số lao động LVBHP tại Hàn Quốc nhiều thứ 3 trong 15 tỉnh, thành phố có lao động LVBHP.
Ở phạm vi rộng hơn, nước ta đang có tỷ lệ lao động LVBHP tại Hàn Quốc cao nhất trong 15 nước có lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004). Việt Nam hiện có tỷ lệ lao động LVBHP là hơn 30% số người sang lao động theo Chương trình EPS trong khi tỷ lệ bình quân của các nước khác chỉ 15-17%. Phía Hàn Quốc cũng đã đề nghị Việt Nam cần có lộ trình giảm tỷ lệ lao động LVBHP xuống dưới 30%, tiến tới bằng tỷ lệ bình quân của các nước khác.
Những hậu quả do LVBHP tại Hàn Quốc đã rất rõ ràng. Một số năm gần đây, Hàn Quốc không gia hạn bản thỏa thuận thông thường mà chỉ ký những bản thỏa thuận đặc biệt với thời hạn 1 năm/lần đối với các lao động làm việc theo Chương trình EPS. Theo đó phía Hàn Quốc không tổ chức thi tiếng Hàn để tiếp nhận mới lao động Việt Nam mà chỉ tiếp nhận những lao động đã đạt yêu cầu trong kỳ thi tiếng Hàn một số năm trước đây và tiếp nhận lại lao động hết hạn HÐLÐ tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Cánh cửa xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc dần khép lại. Nếu nước ta vẫn để tỷ lệ lao động LVBHP ở mức cao, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, một thị trường mang lại nguồn thu nhập cao cho người lao động rất dễ xảy ra. Không chỉ tự đánh mất cơ hội của chính mình và những lao động khác, những lao động LVBHP ở Hàn Quốc còn phải đối diện với nguy cơ bị phạt tiền, bị bắt tạm giam, trục xuất về nước và cấm xuất cảnh sang Hàn Quốc.
Về nước... nhỏ giọtBà Mai Thị Kim, Trưởng phòng LÐTBXH huyện Gia Lộc cho biết mức thu nhập cao khi lao động tại Hàn Quốc là nguyên nhân chính khiến người lao động LVBHP, không về nước đúng hạn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính mặt bằng chung, người lao động làm công nhân tại Hàn Quốc được trả công từ 1.000 - 1.500 USD/tháng. Số tiền này người lao động ở nhà "nằm mơ" cũng không có được. Mặt khác, nếu người lao động về nước đúng hạn, họ sẽ có 2 khả năng. Thứ nhất, họ tiếp tục nuôi cơ hội trở lại làm việc tại Hàn Quốc. Khả năng này cũng có thể xảy ra hai trường hợp là có người sẽ được trở lại làm việc nhưng cũng có người sẽ không đáp ứng được các điều kiện nên phải ở nhà. Thứ hai, những người ở nhà thì phải đi tìm công việc khác, thường là mức thu nhập thấp hơn nhiều so với ở Hàn Quốc. Anh Nguyễn Bá Tiệp ở thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), một lao động ở Hàn
|
" Một số người do tiếng Hàn Quốc hạn chế, nếu về nước muốn sang làm việc trở lại sẽ phải thi lại, không chắc sẽ đỗ nên người ta không về".
NGUYỄN BÁ TIỆPở thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), một lao động ở Hàn Quốc vừa về nước đúng hạn.
|
|
Quốc vừa về nước đúng hạn chia sẻ: "Thường thì người lao động hết hạn hợp đồng mới bỏ trốn, không về nước đúng hạn. Một số người vẫn còn hạn hợp đồng nhưng phải bỏ ra ngoài làm vì công ty đang làm không có việc. Người lao động xin chuyển thì chủ công ty không đồng ý và sau hết hạn HĐLĐ 3 năm thì công ty không ký lại hợp đồng. Lại có những trường hợp do công ty đó làm ăn kém, phá sản nên người lao động phải bỏ. Người lao động bỏ trốn do nhiều nguyên nhân. Một số người do tiếng Hàn Quốc hạn chế, nếu về nước muốn sang làm việc trở lại sẽ phải thi lại, không chắc sẽ đỗ nên người ta không về". Sau khi về nước từ đầu tháng 12-2015, anh Tiệp cũng đang chuẩn bị thi tiếp ngoại ngữ để sang Hàn Quốc làm việc ở công ty trước đây. Tuy nhiên, anh Tiệp cũng không chắc mình có thi đỗ hay không vì chỉ tiêu có hạn trong khi có nhiều hồ sơ dự tuyển.
Ðể khắc phục tình trạng lao động LVBHP tại Hàn Quốc, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp như gửi thư vận động đến từng gia đình có người lao động đang LVBHP; niêm yết danh sách người lao động LVBHP tại trụ sở UBND, nhà văn hóa của xã, phường, thị trấn; gửi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ðại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tới UBND cấp xã và gia đình người lao động. Ngoài ra, Sở LÐTBXH còn tổ chức phiên giao dịch việc làm cho lao động về nước có nhu cầu tìm việc làm với 16 doanh nghiệp tham gia; thông báo tới địa phương về các kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính cho người lao động về nước đúng hạn, có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp trên đã đạt được kết quả bước đầu. Theo Sở LÐTBXH, đến ngày 20-1-2016, toàn tỉnh đã có 32 lao động cư trú bất hợp pháp về nước và 14 người về nước đúng thời hạn trong năm 2016. Theo Phòng LÐTBXH huyện Cẩm Giàng, đến giữa tháng 1 năm nay, toàn huyện đã có 18 lao động LVBHP ở Hàn Quốc về nước, tập trung ở các xã Cẩm Hưng, Cẩm Vũ, Ðức Chính, Tân Trường. Ðến ngày 17-2, tại huyện Gia Lộc cũng đã có 4 người về nước ở 2 xã Quang Minh và Gia Hòa.
Tuy nhiên, con số 32 người về nước vẫn còn quá nhỏ so với hơn 800 người khác vẫn đang LVBHP ở Hàn Quốc. Nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc vẫn còn đó với bao nỗi âu lo.
NINH TUÂN
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương có nhiều biện pháp đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng người lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ðặc biệt, việc đề nghị 6 huyện, thị xã, thành phố gửi văn bản đến gia đình người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc để vận động con em họ tự nguyện về nước đã đạt được kết quả nhất định. Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền tới thân nhân của những người lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm vận động họ về nước đúng hạn.
BÙI THỊ MAI Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội)
Có chế tài mạnh hơn
Theo chúng tôi, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách pháp luật đối với hoạt động xuất khẩu lao động, trong đó đặc biệt chú ý tới thị trường Hàn Quốc. Nhà nước cần có những chế tài mạnh hơn để xử lý các trường hợp lao động làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm tốt cho người lao động cũng cần tiếp tục đẩy mạnh để người lao động yên tâm sau khi về nước đúng hạn.
CAO TÀI NĂNGPhó Giám đốc Công ty CP VietSee
Hỗ trợ việc làm cho người lao động
Qua tìm hiểu tôi được biết Hàn Quốc là một nơi làm việc hấp dẫn với nhiều ngành nghề và thu nhập khá nên có khá nhiều người Việt không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Tôi mong muốn Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp cho những người lao động sau khi trở về nước. Tôi tin khi có việc làm với mức thu nhập ổn định ngay tại quê nhà thì tình trạng bỏ trốn ra ngoài để lao động bất hợp pháp sẽ giảm đáng kể.
PHẠM VĂN SƠN Xã Việt Hưng, Kim Thành
|