Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Theo ông Long, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã có 7 trường hợp mắc cúm A/H7N9.
Một người Trung Quốc đội thúng gà đi bán dù cúm gia cầm H7N9 đang có dấu hiệu
lan rộng hơn ở các khu chợ của nước này - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Canada đã có người nhiễm cúm H7N9 sau khi đi du lịch Trung Quốc và số người mắc H7N9 tại Trung Quốc đã tăng mạnh thời gian qua, hai tháng 11 và 12-2013 có 10 trường hợp mắc mới. Tính từ tháng 3 đến 13-1-2014, đã có 168 người mắc H7N9 tại Canada, Trung Quốc và các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hong Kong, trong đó có 51 trường hợp tử vong.
Trước tình hình trên, liên Bộ Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có cuộc họp khẩn chiều tối 13-1 nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, gần đây Trung Quốc đã đóng cửa một số chợ gia cầm sống và hiệu quả ngăn dịch rất rõ ràng trong khống chế dịch bệnh.
Hiện tại, khách nhập cảnh Việt Nam vẫn đang được theo dõi thân nhiệt nhằm phát hiện sớm và cách ly người bị sốt, phát hiện sớm ca bệnh. Tuy nhiên, điều khó khăn là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, số lượng gia cầm, thủy cầm tiêu thụ sẽ tăng mạnh, các chợ gia cầm sống nhỏ lẻ sẽ bùng phát trong một tháng trước và sau Tết, nguy cơ dịch bùng phát (ngoài cúm H7N9 còn cúm H5N1) là không nhỏ.
Dịp này, Bộ Y tế cũng mạnh mẽ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm ốm, chết. Khi giết mổ gia cầm sống phải có trang bị bảo hộ phòng dịch như găng tay, rửa tay sạch sau khi chế biến gia cầm. Tại Việt Nam, các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa phát hiện mẫu virus cúm H7N9 trên người và gia cầm, nhưng tập tục chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ- mua bán gia cầm sống tại chợ khiến dịch dễ xâm nhập sang người nếu xuất hiện trên gia cầm.
L.ANH(Tuổi trẻ)