Theo thống kê từ Trung Quốc hiện nay thì cứ 4 người nhiễm có 1 người chết, đây là loại vi rút rất nguy hiểm và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Chiều 13-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn chương trình hành động phòng chống vi rút cúm A/H7N9 có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam.
Thông tin về tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, qua nghiên cứu về việc vận chuyển gà loại thải ở Trung Quốc cho thấy có nhiều loại được vận chuyển từ phía bắc xuống phía nam đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, có đi qua các tỉnh đã phát hiện vi rút cúm A/H7N9.
Trong đó, vi rút cũng được phát hiện trên gia cầm và người ở Quảng Tây, tỉnh giáp với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam nên nguy cơ vi rút xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao.
Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định Việt Nam, Lào, Myanmar là những quốc gia có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc.
|
|
Cũng theo ông Phạm Văn Đông, hiện nay chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 tại Việt Nam nhưng cần thiết phải chủ động xây dựng chương trình hành động nhằm phát hiện, ứng phó ngăn chặn với vi rút cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
|
Cũng theo ông Đông, nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả quà biếu, cho, tặng là biện pháp số một cần áp dụng hiện nay tại các tỉnh biên giới phía bắc.
Ngoài ra, ngành thú y, chính quyền các địa phương tăng cường triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết, các mẫu môi trường ở các tỉnh biên giới phía bắc và các địa phương tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, theo thống kê từ Trung Quốc hiện nay thì cứ 4 người nhiễm có 1 người chết, đây là loại vi rút rất nguy hiểm và hằng ngày hằng giờ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Cũng theo ông Phát, ở cúm A/H5N1 thì gia cầm nhiễm bệnh có biểu hiện lâm sàng dẫn đến tử vong nên dễ phát hiện. Còn ở A/H7N9 gia cầm hầu như không có biểu hiện bị nhiễm bệnh. Khi mật độ vi rút đủ lớn có nguy cơ cao lây nhiễm sang người.
Bộ trưởng Phát yêu cầu, công tác ứng phó, phòng chống dịch cúm gia cầm với nỗ lực cao nhất là ngăn chặn, không để virut cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.
Theo chương trình hành động phòng, chống cúm A/H7N9 do Cục Thú y đề xuất có 4 tình huống: Tình huống1: Chưa phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người. Tình huống 2: Phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường nhưng có người mắc bệnh. Tình huống 3: Phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh. Tình huống 4: Phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh. |
HOÀNG PHAN (Thanh niên)