Dịch cúm A H7N9 tại Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế nhận định, khả năng lây truyền dịch bệnh này từ Trung Quốc sang Việt Nam là rất lớn.
Ảnh: VGP/Hiền Minh |
TS Trần Đắc Phu cho biết, mặc dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 ở trên người và gia cầm. Tuy nhiên, chủng virus này lưu hành trên các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.
“Cho đến nay, việc phát hiện nguồn bệnh chủ yếu vẫn dựa vào mẫu bệnh phẩm được lấy từ môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống. Trong khi tại Trung Quốc cũng như Việt Nam đang là thời điểm mùa đông – xuân rất thuận lợi cho sự phát triển của virus cúm. Chính vì vậy, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong dịp Tết và trong các hoạt động lễ hội sắp tới sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Phu lý giải.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhận định việc lây nhiễm các chủng cúm từ phía Bắc, phía Tây Nam Campuchia vào nước ta là hoàn toàn có thể. Đặc biệt là sự thay đổi và sự tái tổ hợp của các loại virus cúm, nhất là trên gia cầm hết sức phức tạp, liên tục có biến đổi.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, tổ chức chiều 28-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tình hình dịch cúm hiện nay rất khó tiên đoán, trong đó, cảnh báo nhất là virus cúm A H7N9.
Thứ trưởng Long đề nghị các bộ, ngành cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, trong bệnh viện; tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp nặng đều phải được lấy mẫu giám sát phát hiện chủng cúm để kịp thời cách ly và điều trị hiệu quả.
Đồng thời, ngành y tế cần tăng cường phối hợp liên ngành, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh cúm. Hệ thống điều trị chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế về điều trị và xử lý khi có ca bệnh nghi ngờ...
HIỀN MINH (Chinhphu)