Hàng loạt vụ xô xát dẫn tới thương vong đã xảy ra mất kiểm soát trên các khán đài sân vận động bóng đá ở Mỹ Latinh trong thời gian qua.
Hình ảnh về vụ ẩu đả lớn tại sân vận động Corregidora (Mexico) trong trận đấu giữa hai đội Atlas và Querétaro vào ngày 5/3 khiến 26 người bị thương nặng đã lan truyền và thu hút chú ý bởi vì nước này sẽ đồng đăng cai World Cup 2026 với Mỹ và Canada.
Vào tối cùng ngày, xảy ra vụ tấn công cạnh một sân vận động ở Palmira, bên ngoài thành phố Cali (Colombia) giữa các cổ động viên America de Cali và Deportivo Cali. Ngày hôm sau, một người đàn ông đã bị bắn chết trong vụ xô xát giữa cổ động viên Atletico Mineiro và Cruzeiro tại Brazil.
Riêng Brazil có 9 vụ bạo lực trên khán đài từ ngày 12.2, trong đó có vụ nổ súng khiến một cổ động viên câu lạc bộ Palmeiras tử vong và vụ ném đá vào xe buýt chở cầu thủ khiến nhiều người bị thương.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 14.3 cho biết nhiều học giả nhận định rằng việc chấm dứt biện pháp phòng chống COVID-19 là một nhân tố làm gia tăng tình trạng bạo lực, điều tương tự đã xảy ra với bóng đá Pháp và Anh. Ông German Gomez tại Hiệp hội Nghiên cứu Thể thao Colombia đánh giá: “Đây là những hậu quả của tình trạng bí bách kéo dài, trong đó khi mọi người trở lại với một sự kiện công cộng, họ có nhu cầu thoát ra khỏi sự giam hãm đó”.
Tuy nhiên, ngoài phong tỏa vì dịch COVID-19, còn có nhiều vấn đề chưa được các cơ quan chức năng xử lý thích đáng liên quan đến bạo lực giữa các cổ động viên. Ông Reis cho rằng nguồn gốc của vấn đề xuất phát từ “tính nam độc hại”. Theo đó, các trận thi đấu bóng đá đã tạo ra một đấu trường cho cạnh tranh giữa những người đàn ông để giành quyền lực trước các đối thủ, ở đây là cổ động viên đội bóng khác, thông qua vũ lực.
Giáo sư Heloisa Reis tại Đại học Unicamp (Brazil) nhận định: “Không có cách nào để chấm dứt bạo lực trong bóng đá. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu bạo lực. Để làm được điều này, cần một chính sách công toàn diện”.
Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Peru đã ban hành luật phạt tù các hooligan hoặc thậm chí hủy bỏ các sự kiện thể thao. Còn có một số sáng kiến học theo châu Âu trong kiểm soát hooligan, chẳng hạn như nhận dạng sinh trắc học hoặc giám sát video trong và xung quanh các sân vận động.
Nhưng các chuyên gia đánh giá lệnh cấm cổ động viên theo dõi trận thi đấu sau khi xảy ra bạo lực, vốn được áp dụng tại Argentina, Brazil và Colombia, không có nhiều tác dụng bởi bạo lực giữa cổ động viên vẫn xảy ra trên đường phố.
Trong giai đoạn từ 2009 đến 2019, đã có 157 người tử vong tại Brazil liên quan đến bạo lực giữa các cổ động viên bóng đá. Những vụ việc tương tự dẫn đến 136 người thiệt mạng ở Argentina trong 2 thập niên qua và 170 người tử vong ở Colombia trong giai đoạn từ 2001-2019.
Theo Báo Tin tức