Kinh tế

Nguồn vốn tín dụng chính sách: Điểm tựa của học sinh nghèo

HK 19/05/2025 09:00

Biết tin con đỗ đại học, nhiều bậc làm cha mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì con có cơ hội học cao, lo vì chẳng biết sẽ lấy tiền đâu để con ăn học. Với nhiều gia đình khó khăn ở Hải Dương, chính những khoản vay tín dụng chính sách giống như chiếc 'phao cứu sinh', nâng đỡ những ước mơ tưởng chừng không thể chạm tới.

tín dụng HSSV

Biết tin con đỗ đại học, nhiều bậc làm cha mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì con có cơ hội học cao, lo vì chẳng biết sẽ lấy tiền đâu để con ăn học. Với nhiều gia đình khó khăn, chính những khoản vay tín dụng chính sách đã trở thành chiếc phao cứu sinh, nâng đỡ những ước mơ tưởng chừng không thể chạm tới.

“Phải thành tài để báo đáp công ơn bố mẹ”

Đó là chia sẻ của anh Trần Bá Tuấn, sinh năm 1991, quê tại thôn Hải Ninh, xã Kim Tân (Kim Thành). Anh Tuấn, người từng là cậu trò nghèo, nay là Trưởng Văn phòng Công chứng Trần Bá Tuấn (thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang). Câu chuyện của anh bắt đầu từ năm 2009, khi anh đỗ vào Khoa Luật, Trường Đại học Vinh.

“Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, bố mẹ tôi vui lắm, vừa chúc mừng tôi, vừa nói với em trai tôi, rằng cần noi gương anh để học thật tốt. Nhưng tôi biết, đằng sau ánh mắt hạnh phúc ấy là vô vàn lo toan. Nhà tôi chỉ có vài sào ruộng, lại ở xa trung tâm, tiền học, tiền ăn, tiền đi lại… quả là một gánh nặng lớn”, anh Tuấn hồi tưởng.

2.jpg

Một chiều cuối tháng 4, nắng nhẹ, chúng tôi tìm về nhà anh Tuấn, gặp bố mẹ anh: Ông Trần Văn Tiến, sinh năm 1960 và bà Tăng Thị Tính, sinh năm 1964. Ông Tiến kể lại: “Chúng tôi không có gì ngoài sức lao động. Ngày đó, nhà nghèo đến mức có người đến hỏi mua con bò để lấy tiền cho Tuấn đi học thì cũng chẳng có bò mà bán. Gần như toàn bộ kinh tế của nhà tôi chỉ trông vào hơn 4 sào ruộng”.

Qua nhiều nguồn thông tin, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Thành đã đề nghị được tư vấn về gói vay tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn.

Với trường hợp của Tuấn, gia đình được phê duyệt khoản vay gần 34 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2014, em trai của Tuấn – Trần Đức Tú đỗ vào Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy và Đại học Y dược Hải Phòng. Một lần nữa, bà Tăng Thị Tính lại tìm đến ngân hàng chính sách và tiếp tục được vay thêm 64 triệu đồng. Nhờ thế, giấc mơ y khoa của Tú được chắp cánh.

“Không chỉ vay vốn, chúng tôi còn phải làm đủ nghề, từ phụ vữa, làm cỏ, vớt bèo đến trồng hoa, trồng rau thuê. Tất cả chỉ mong các con học hành thành đạt. Giờ thì Tuấn có văn phòng công chứng riêng, còn Tú đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng)”, bà Tính nói, giọng ngập tràn tự hào.

3(1).jpg

Tại xã Kim Tân còn có chị Đoàn Thị Huệ, giảng viên Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh ở Hưng Yên, cũng là minh chứng sống cho hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo.

Chị Huệ, sinh năm 1988, là con út trong gia đình có 3 chị em. Trên Huệ là 2 chị gái, một người sinh năm 1980, người còn lại sinh năm 1983. Huệ cũng là người con duy nhất trong gia đình được đi học đại học.

“Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn nên hai chị của Huệ đã chọn những con đường lập thân riêng, chỉ Huệ là cố gắng theo đuổi con đường học hành. Lúc Huệ thi đỗ Trường Đại học Thương mại, nếu không có sự giới thiệu, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, huyện và nguồn vốn chính sách thì có lẽ giấc mơ đỗ đạt của Huệ cũng khó thành hiện thực. Hiện Huệ là giảng viên của Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh ở Hưng Yên”, bà Phạm Thị Nhuân, sinh năm 1961, mẹ của chị Huệ chia sẻ.

Câu chuyện về nguồn vốn chính sách nâng đỡ những tấm gương trò nghèo hiếu học còn tiếp nối ở xã Hồng Quang (Thanh Miện), là nơi anh em Trần Tuấn Anh (sinh năm 1993), Trần Minh Hiếu (sinh năm 1998) ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) vươn lên.

Tuấn Anh tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng, nay là kỹ sư tại Phòng Thiết kế, Công ty CP Nhà khung thép và Thiết bị công nghiệp SEICO (Tân Trường, Cẩm Giàng). Minh Hiếu mang quân hàm thượng úy, công tác tại Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội).

4(1).jpg

Căn nhà cấp 4 chỉ chưa đầy 30 m2 hơn 30 năm trước nay không còn nữa. Tuấn Anh và Minh Hiếu đã góp công cùng bố mẹ, xây dựng căn nhà mới hơn trăm m², khang trang, hiện đại.

“Căn nhà này do chính Tuấn Anh thiết kế dành tặng bố mẹ, em cũng đóng góp vài trăm triệu đồng phụ cùng bố mẹ xây căn nhà đẹp đẽ, hạnh phúc này. Minh Hiếu thì chuẩn bị đi học chuyên khoa, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan hoặc một số khu vực khác. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong các con, cháu luôn khỏe mạnh, công tác thật tốt. Những ngày tháng khó khăn có lẽ đã qua đi rồi”, bà Đặng Thị Miền, sinh năm 1969, mẹ của Tuấn Anh và Minh Hiếu chia sẻ.

5.jpg
Sau 4 năm trên giảng đường Trường Đại học Vinh, năm 2013 Trần Bá Tuấn về công tác tại Văn phòng Công chứng Bình Giang
6.jpg
Nhiều năm cống hiến, nay Tuấn đã trở thành Trưởng Văn phòng Công chứng Trần Bá Tuấn
7.jpg
Từ cậu trò nghèo, Trần Bá Tuấn của hôm nay đã cơ bản "sự nghiệp thăng tiến, gia đình yên vui"
12.jpg
Trần Đức Tú hiện là một bác sĩ trẻ đầy tiềm năng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp
13(1).jpg
Đây là bức ảnh Tú gửi về nhà vào đêm giao thừa đón Tết Giáp Thìn 2024
14.jpg
Như anh trai, Tú cũng có một "gia đình nhỏ, hạnh phúc to"
9.jpg
Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ trái sang) là một trong những sinh viên tài năng của Đại học Xây dựng
8.jpg
Sau 3 năm làm kỹ sư tại Nhật Bản, năm 2023 Tuấn Anh làm kỹ sư tại Phòng Thiết kế, Công ty CP Nhà khung thép và Thiết bị công nghiệp SEICO (Cẩm Giàng)
10.jpg
Cuối năm nay, vợ chồng Tuấn Anh sẽ đón em bé đầu lòng

Vẫn còn “lăn tăn” khi vay vốn

Nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho học sinh, sinh viên không chỉ là điểm tựa tài chính, mà còn là điểm tựa tinh thần, giúp các bậc phụ huynh nghèo bớt đi gánh nặng, giúp con cái “dệt ước mơ” dưới những mái trường.

19.jpg
Những tấm gương vượt khó kể trên đều có những điểm chung nhất định
15.jpg
Đó là đều có ý chí vươn lên mạnh mẽ
17.jpg
Cùng niềm tin, sự ủng hộ của bố mẹ, gia đình
18.jpg
Thêm vào đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, như chiếc phao cứu sinh, nâng đỡ những ước mơ tưởng chừng không thể chạm tới

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.

Dù chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, song tỷ trọng dư nợ của chương trình trong tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh còn khiêm tốn. Thời điểm cuối tháng 4/2025, dư nợ của chương trình tín dụng này hơn 120 tỷ đồng, tuy tăng hơn 8 tỷ đồng dư nợ so với cuối tháng 3/2025, song chỉ chiếm 2,1% nếu so với gần 5.685 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng chính sách trên toàn tỉnh.

tin-dung-chinh-sach-hoc-sinh-sinh-vien-ngheo-2.jpg
Đồ họa một số số liệu chương trình tín dụng chính sách đối với học sinh, sinh viên

Ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương cho rằng nguyên nhân chính đến từ một số tâm lý phổ biến của người dân. “Nhiều hộ gia đình vẫn có tâm lý e ngại vay nợ. Một số khác thì cho rằng con cái dù học xong cũng khó xin việc từ tấm bằng đại học. Vì vậy những gia đình này thường hướng cho con học nghề hoặc đi làm sớm”, ông Hùng nói.

Song rào cản lớn nhất là về giới hạn số tiền vay. Dù mức cho vay tối đa với học sinh, sinh viên hiện ở mức 4 triệu đồng/tháng, đã được nâng lên kể từ tháng 5/2022, song so với tổng chi phí ăn học của mỗi sinh viên, số tiền này dường như chưa đủ đáp ứng. Cũng vì vậy, nhiều hộ còn đắn đo.

“Chúng tôi kiến nghị điều chỉnh mức vay phù hợp hơn với thực tế. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tại các điểm giao dịch xã, phối hợp nhà trường và đoàn thể để chia sẻ câu chuyện thành công của các sinh viên đi trước, từ đó tạo niềm tin cho phụ huynh”, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh cho biết.

tín dụng HSSV-2

Trong thời gian tới, nhất là khi thực hiện sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, chúng tôi sẽ củng cố hệ thống giao dịch xã, tránh để người dân đi lại xa. Đồng thời tiếp cận ngay chính quyền cơ sở mới để rà soát nhu cầu vay vốn và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ. Mỗi hộ vay được hỗ trợ, mỗi sinh viên được tiếp tục giấc mơ học tập là một đóng góp rất cụ thể cho nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương trong tương lai.

Đằng sau mỗi hồ sơ vay vốn là một khát vọng vươn lên. Đằng sau mỗi sinh viên thành công là những người cha, người mẹ lấm lem bùn đất, những cán bộ tín dụng miệt mài đến từng thôn, xã. Tất cả đang cùng nhau dựng xây một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ mai sau.

Nội dung: HÀ KIÊN - HÀ VY

Đồ họa: NGÂN HẠNH

Ảnh: THÀNH CHUNG

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn vốn tín dụng chính sách: Điểm tựa của học sinh nghèo