Người tuyên truyền viên tâm huyết

09/09/2012 09:39

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình tuyên truyền miệng ở một chi bộ cơ sở, ông Trung chủ động kiến nghị với Đảng uỷ phường nhân rộng ra các chi bộ khác..


Lần đầu nghe báo cáo viên ở Chi bộ khu dân cư số 15, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) thông tin về tình hình thời sự tôi chỉ có ý định ngồi nghe khoảng dăm, mười phút rồi xin “rút lui”, nhưng do cách trình bày hấp dẫn, cuốn hút của diễn giả, khiến tôi không thể bỏ cuộc ra về...

Người đứng trên bục là một ông già tóc bạc trạc tuổi tám mươi, khuôn mặt phúc hậu. Ông là Phan Thành Trung, (ảnh) nguyên Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp tỉnh Hải Hưng (cũ). Về nghỉ hưu từ năm 1993, suốt gần 20 năm nay, người đảng viên già ấy vẫn không hề nghỉ ngơi. Khi làm tổ trưởng khu phố, lúc tham gia hội viên tán trợ Hội Chữ thập đỏ phường - và hiện là báo cáo viên đầu tiên, rất tích cực của Đảng uỷ phường Lê Thanh Nghị.

Đến nay, Chi bộ khu dân cư số 15, phường Lê Thanh Nghị vẫn duy trì nền nếp dành 20 đến 30 phút đầu mỗi buổi sinh hoạt để báo cáo viên thông tin thời sự quốc tế, trong nước và trong tỉnh tới từng đảng viên. Những ngày đầu về sinh hoạt ở chi bộ cơ sở với hơn 50 đảng viên, gồm nhiều đồng chí 50-60 năm tuổi đảng, tới những đảng viên còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi đảng, ông Trung thấy rõ một điều, phần lớn các đồng chí này vẫn còn “đói” thông tin lắm. Dù hằng ngày họ có xem ti-vi hay đọc báo, nhưng những  tin tức mà các đảng viên trong chi bộ nắm được còn thiếu tính hệ thống.

Từng là cán bộ thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý, nắm bắt được những luồng thời sự chủ lưu, nay về sinh hoạt ở cơ sở chân tre, ông Trung chủ động đề xuất sáng kiến với Ban Tuyên giáo Thành uỷ cho thí điểm việc tuyên truyền miệng tại các cuộc họp chi bộ ở cơ sở. Được Thành uỷ chấp thuận, ông Trung bắt tay vào thực hiện đề cương nói chuyện thời sự, rồi trình với Bí thư Đảng ủy phường thông qua.

Ban đầu làm báo cáo viên, trước phần lớn các đồng chí cán bộ nghỉ hưu có bề dày kinh nghiệm, ông tự nhận thấy mình còn thiếu nhiều kiến thức. Do vậy, mỗi buổi sáng, ông thường đi bộ từ nhà ra thư viện cách vài ba cây số để đọc các loại báo, tạp chí, rồi ghi chép vào sổ tay, đem về biên tập, chọn lọc, tổng hợp lại, sau đó kẹp sẵn thành từng tập để khi nói chuyện cần mở rộng thì trình bày cho tăng phần hấp dẫn. Ông còn thường xuyên tới dự các buổi nói chuyện thời sự tại Câu lạc bộ hưu trí Nguyễn Trãi. Ở đây thường mời các diễn giả có uy tín trình bày các sự kiện mới về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Khi nghe, ông ghi chép đầy đủ để làm “nguyên liệu” cho mỗi buổi nói chuyện thời sự của mình. Từ chính các sự kiện tưởng chừng như cũ, nhưng người tuyên truyền viên đã “làm mới” cho sống động và hấp dẫn đối với người nghe, kể cả những người khó tính nhất. Vì vậy đã kéo được người nghe ở lại với mình.

Vừa làm tuyên truyền viên, vừa lắng nghe ý kiến phản hồi từ những đảng viên, quần chúng, dần dần việc thông tin thời sự của Chi bộ khu dân cư 15, phường Lê Thanh Nghị đã đi vào nền nếp, đều đặn hằng tháng.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình tuyên truyền miệng ở một chi bộ cơ sở, ông Trung chủ động kiến nghị với Đảng uỷ phường nhân rộng ra các chi bộ khác. Đến nay, Đảng bộ phường Lê Thanh Nghị đã trở thành điểm sáng về công tác tuyên truyền miệng của TP Hải Dương.

“Mưa dầm, thấm lâu”, ông Trung kiên trì như con ong xây tổ. Càng say sưa với công tác tuyên truyền miệng, ông càng thấy thích thú, tìm tòi những điều mới lạ để cung cấp cho các đồng chí đảng viên cùng sinh hoạt ở chi bộ mình.

Nhiều dẫn chứng trong buổi nói chuyện thời sự, ông thường lấy từ câu chuyện do chính ông trực tiếp tham gia. Chẳng hạn như dự án xây dựng hệ thống kè sông Sặt vào năm 2005 do UBND tỉnh phê duyệt kinh phí lên tới 130 tỷ đồng, ông nắm vững từ khi công trình mới khởi công. Trong quá trình thi công đoạn qua khu dân cư Đặng Quốc Trinh - nơi ông ở, có mắc mớ, ông phát hiện ra nguyên nhân, rồi báo với cấp có thẩm quyền tìm cách khắc phục. Có khi còn trực tiếp tham gia làm giám sát viên công trình nên ông hiểu sâu sắc vấn đề quản lý một công trình xây dựng. “Khi đứng trên bục làm báo cáo viên mà có dẫn chứng từ người thực, việc thực thì người nghe thấy sinh động hơn” - ông Trung kể lại như vậy với những báo cáo viên khác đến hỏi kinh nghiệm.

Làm báo cáo viên là công việc khó, trình bày một vấn đề khúc triết, hấp dẫn thì người nghe không nhàm chán, buồn ngủ. Do vậy,  kiến thức trong sách báo, in-tơ-nét chưa đủ, nhiều lúc ông còn dành thì giờ nghiên cứu cả tài liệu lô-gích học hoặc các tác phẩm kinh điển của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác. Nhờ tích luỹ một lượng thông tin và lý luận phong phú, nên có lúc trả lời đồng chí cán bộ lão thành hỏi về tin đồn này nọ, ông Trung truyền đạt lại vấn đề có tính thuyết phục rất cao. Từ đó, đã chứng minh hiệu quả công tác tuyên truyền miệng góp phần củng cố lòng tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều người nhận xét: “Mặc dù đã đọc báo, nghe đài hằng ngày nhưng vẫn rất thích nghe ông Trung nói chuyện thời sự”. Phần thưởng đối với ông là được nghe các ý kiến phản hồi, tham gia đóng góp của đảng viên, quần chúng, để ông tự tin vào công việc mà ông đang dồn nhiều tâm huyết.

50 tuổi đảng, giờ thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, ông Trung vẫn say sưa với công việc của một báo cáo viên thời sự ở khu dân cư. Khi Nhà nước có chủ trương tiết kiệm điện, ông đề xuất thành lập một tổ tuyên truyền về tiết kiệm điện, tư vấn và viết bài cho tạp chí Điện lực, được Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực I gửi thư khen ngợi. Ngoài ra, ông còn đề xuất với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, rồi trực tiếp tham gia biên soạn, in ấn hàng nghìn tài liệu hỏi - đáp xung quanh việc tiết kiệm điện, phân phát tới hệ thống báo cáo viên cơ sở làm tài liêu tuyên truyền, cổ động về việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện trong tỉnh.

Lúc còn đang công tác, ông Trung từng vinh dự 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức trong sáng của Người ảnh hưởng rất lớn đối với ông Trung. Do vậy, khi làm báo cáo viên về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những hình ảnh về Bác Hồ năm nào đã gợi lại cho người báo cáo viên già này nhiều kỷ niệm sâu sắc. Khi ông kể lại câu chuyện mình được gặp Bác, đã làm người nghe thấy hấp dẫn.

Từ một khu dân cư, nay cả phường Lê Thanh Nghị được nghe thời sự đều đặn. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hải Dương đã chọn phường Lê Thanh Nghị làm điểm để nhân rộng công tác tuyên truyền miệng ra toàn thành phố. Khi nhắc tới người báo cáo viên già mà say sưa công việc thì ai cũng tấm tắc khen: “Đấy mới là người tuyên truyền viên tâm huyết!".

TRẦN LƯU LOÁT

(0) Bình luận
Người tuyên truyền viên tâm huyết